Van Persie được HLV Arsene Wenger đưa về Arsenal để trở thành huyền thoại và tiền đạo người Hà Lan cũng đã đường hoàng là một trong những thành viên trong ngôi đền huyền thoại của Pháo thủ. Tiếc rằng, đó là một thiên tình sử không trọn vẹn…
Khác với những cầu thủ lớn lên trong nghèo đói, phải học cách sinh tồn trong sự hỗn loạn, Robin van Persie sinh ra trong một gia đình nghệ sỹ thực thụ. Mẹ anh là họa sỹ kiêm người thiết kế trang sức. Bố anh là một nhà điêu khắc. Tuy nhiên, tuổi thơ êm đềm của Van Persie không kéo dài lâu. Bố mẹ anh ly dị.
Thời còn nhỏ, Van Persie được mô tả là một cậu bé ngỗ ngược, liên tục bị đuổi khỏi lớp học. Đó là lý do ông Bob, bố của Van Persie quyết định cho anh đi theo nghiệp bóng đá. Đó chắc chắc là một trong những quyết định đúng đắn nhất cuộc đời ông.
Khi được hỏi về quyết định trở thành một cầu thủ, Van Persie tâm sự: “Tôi không có con mắt nghệ thuật giống bố mẹ tôi. Họ có thể ngắm nhìn một cái cây và mô tả nhiều điều mỹ miều, đặc biệt về cái cây đó. Đối với tôi, nó chỉ là một cái cây. Họ nói rằng tôi không biết trân trọng vẻ đẹp của tự nhiên, không có óc sáng tạo và thú thật, tôi không hiểu họ đang nói tới cái gì. Cho đến khi tôi gia nhập thế giới túc cầu, tôi ngắm nhìn những trận đấu và cảm nhận cái đẹp của bóng đá giống như bố mẹ tôi thấy vẻ đẹp của thiên nhiên. Bóng đá là nơi sự sáng tạo của tôi tuôn trào”.
Kể từ khi chập chững gia nhập đội trẻ Excelsior đến thời điểm được HLV Arsene Wenger để mắt, Van Persie chỉ mất đúng 7 năm. Arsenal mua anh với mục tiêu rõ ràng: Wenger cần người thay thế huyền thoại Dennis Bergkamp và họ mua Van Persie.
Wenger đã không phải thất vọng. Van Persie có thể thi đấu ở rất nhiều vị trí trong đội hình Arsenal và luôn chơi tốt. Anh là cầu thủ hiếm hoi có thể kết hợp khá nhuần nhuyễn với Thierry Henry và chỉ sau 2 mùa bóng, Wenger đã khẳng định, ông đã đúng khi mặc cho Van Persie chiếc áo mà Dennis Bergkamp đã từng khoác trên người.
Mùa 2007/08, Henry rời Arsenal, chuyển sang Barcelona và Van Persie trở thành chủ công của Pháo thủ. Một lần nữa, chân sút người Hà Lan cho thấy sự hoàn thiện của mình khi tiếp tục tỏa sáng, không chỉ trở thành chân sút xuất sắc nhất của Arsenal, mà còn là một trong những tiền đạo lợi hại nhất Premier League. Kèo trái của Van Persie được đánh giá là thứ vũ khí sát thương khủng khiếp nhất Premier League trong nhiều mùa bóng liên tiếp.
NHM Arsenal yêu Van Persie. Họ hát về anh trong mỗi trận đấu. Wenger cũng yêu Van Persie. Ông là người tìm ra anh giữa hằng hà sa số những tiền đạo tiềm năng của bóng đá Hà Lan. Những tưởng thiên tình sử giữa Van Persie và Arsenal sẽ là vĩnh cửu, những tưởng chiếc áo số 10 mà RVP đã mặc sẽ là huyền thoại ở Arsenal, thì đột ngột, Van Persie phản bội Pháo thủ, gia nhập… Man Utd.
Vào thời điểm đó, không chỉ NHM Arsenal sốc, cả làng bóng đá Anh đều sốc. Một nguồn tin không chính thức từng mô tả lại lời của Wenger thế này: Trong đời tôi chỉ chứng kiến 2 sự phản bội khủng khiếp nhất trong bóng đá. Đó là khi ĐT Tây Ban Nha từ bỏ lối chơi sở trường của họ và khi Van Persie chia tay Arsenal.
RVP đến với Man Utd vì một lý do duy nhất: Anh mơ một lần nâng cao chức vô địch Premier League – điều mà Arsenal không thể cho anh trong suốt 8 năm gắn bó. 8 năm chơi bóng cho Pháo thủ, Van Persie đã ghi 96 bàn thắng, đã rất nhiều năm gồng gánh hàng công, nhưng chức vô địch duy nhất mà anh sở hữu chỉ là chiếc cúp FA mùa 2004/05 – mùa đầu tiên Van Persie gia nhập.
8 năm ròng rã không có một tấm huy chương nào, Van Persie đến với Man Utd, mặc luôn chiếc áo số 20 – ám chỉ việc Quỷ đỏ Manchester sẽ lần thứ 20 nâng cao ngai vàng. Và giấc mơ đó đã tới.
Rốt cuộc thì Van Persie cũng vô địch Premier League và một lần nữa, một chức vô địch lại đến với anh ngay trong năm đầu tiên anh gia nhập một CLB mới. Tuy nhiên, khác với chức vô địch FA Cup 2004/05 – mùa bóng mà RVP chỉ ghi được 10 bàn thắng, mùa giải 2012/13 khép lại với 30 bàn thắng mà Van Persie đã ghi cho Man Utd.
Nhưng số phận của kẻ phản bội Arsenal cũng không có được cái kết viên mãn. 3 năm sau khi gắn bó với Man Utd, Van Persie bắt đầu sa sút và anh bị Quỷ đỏ bán sang Fenerbahce. Xin nhắc lại: Là Man Utd đã chủ động bán Van Persie sang Thổ Nhĩ Kỳ, chứ thực tế có khá nhiều ông lớn ở Serie A và La Liga muốn có anh vào thời điểm đó.
Bí mật này được cựu danh thủ Hà Lan, Pierre van Hooijdonk tiết lộ năm 2015. Theo van Hooijdonk, Man Utd đã bí mật bán Van Persie cho Fenerbahce mà không thông báo cho chân sút này một câu. Đến khi Van Persie biết chuyện thì gạo đã nấu thành cơm, hợp đồng đã đi tới giai đoạn ký kết.
Mặc dù vậy, 1 năm sau khi bị Quỷ đỏ bán đi phũ phàng, trong lần cùng Fenerbahce gặp lại Man Utd tại Europa League tháng 10/2016, Van Persie đã gọi chuyến đi tới nước Anh thi đấu với Man Utd là “trở về nhà”. Anh coi Old Trafford là nhà và điều này một lần nữa đun sôi sự giận dữ của NHM Arsenal.
Van Persie, trong mắt NHM Arsenal anh không là huyền thoại. Đối với NHM Man Utd, anh gắn bó chưa đủ lâu để trở thành huyền thoại. Nhưng với NHM Premier League nói chung, anh là một huyền thoại.