Khi cuộc cạnh tranh chấm dứt, Ronaldo về Bồ Đào Nha còn Messi về Argentina, làng túc cầu cần điều chỉnh lại sự kỳ vọng, cần có một tiêu chuẩn mới để phong tặng danh hiệu vĩ đại.
Khi Tiger Woods bước ra ánh sáng vào năm 1996, anh đã mang đến phong cách thi đấu hoàn toàn mới và đạt được những thành công vang dội. Trong nỗ lực duy trì tính cạnh tranh của môn golf, phần còn lại của môn thể thao quý tộc phải thay đổi phong cách thi đấu. Các nhà tổ chức thậm chí mở rộng sân golf để ngăn cản sự thống trị của Tiger Woods.
Huyền thoại người Mỹ thắng hết giải này đến giải khác. Người ta cứ thế nới rộng sân golf với hy vọng làm lu mờ sự chi phối của Tiger Woods. Nhà tổ chức thậm chí còn phải thay đổi địa hình vị trí đánh của Tiger để những đối thủ khác có cửa tạo ra bất ngờ. Tất cả biện pháp vừa nêu được nhóm chung vào thuật ngữ “Tiger-proofing”.
Trong môn bóng đá, sẽ không bao giờ có cái gọi là “Tiger-proofing”. Điều luật của môn túc cầu không bao giờ có thể thay đổi chỉ vì một vài cá nhân xuất sắc hơn so với phần còn lại. Chẳng có cách nào khác ngoài việc thừa nhận họ là những người xuất sắc nhất, bởi những người còn lại không ở cùng đẳng cấp.
Vì lẽ đó, Ronaldo và Messi trở thành những con hổ chơi với con mồi trong địa bàn của riêng họ. Những thành tựu họ đạt được quá vĩ đại, Ronaldo và Messi khiến làng bóng đá phải xem xét lại định nghĩa: thế nào là một cầu thủ vĩ đại?
Người ta thường có thói quen o bế những thần tượng thuở thanh niên của mình lên vị trí số một. Nếu bạn hỏi một thiếu niên của những năm 60 thế kỷ trước, người ta sẽ bảo Pele là nhất.
Một đứa trẻ của năm 70 quả quyết người vĩ đại nhất không ai khác ngoài Johan Cruyff. Sang thập niên 80, Maradona phải là số một. Thập niên 90 gọi tên Zidane, Ronaldo béo.Vài năm sau là màn trình diễn xuất chúng của Ronaldinho.
Rồi đến lượt Ronaldo và Messi bước ra ánh sáng. Xét một cách khách quan về màn trình diễn, thành tích cá nhân và các kỷ lục, Ronaldo lẫn Messi hay hơn tất cả tiền bối.
Trong vòng một thập kỷ, họ đã phá tan kỷ lục của các huyền thoại đi trước. Dường như thành tích của những máy dội bom như Alfredo di Stefano hay Gerd Mueller sinh ra chỉ để chờ Ronaldo, Messi xô đổ.
Quay ngược về quá khứ, một tiền đạo sẽ đi vào lịch sử nếu đạt tỷ lệ 2 trận một bàn. Ngày nay, Ronaldo ghi trung bình mỗi trận một bàn còn Messi đạt tỷ lệ xấp xỉ.
Sự cải thiện vượt bậc về thành tích đáng ra cần đến nhiều thập kỷ mới có thể đạt được. Hãy xem môn điền kinh. Donald Lippincott (Mỹ) lập kỷ lục thế giới ở nội dung chạy 100 mét vào năm 1912 với thành tích 10,6 giây. 97 năm sau, kỷ lục mới được phá bỏ bởi Usain Bolt vào ngày 16/8/2009.
Trước CR7, chân sút vĩ đại nhất trong lịch sử Real Madrid là Raul Gonzalez với 323 bàn thắng sau 741 trận đấu. Đó là một con số đáng kinh ngạc. Duy trì phong độ và thể lực để thi đấu 741 trận đã khó, lại còn đạt hiệu suất 2 trận một bàn thì càng đáng khâm phục.
Tuy nhiên, Ronaldo chỉ cần 310 trận để có 324 bàn, tỷ lệ hơn một bàn mỗi trận. Bây giờ, CR7 đang sở hữu hơn 400 bàn cho Real Madrid. Chẳng cần đến vài thập kỷ hay thế kỷ, Ronaldo phá kỷ lục chỉ sau vài năm Raul tạo ra nó.
Vào tháng 3 năm 2014, Messi vượt huyền thoại Paulino Alcantara (369 bàn thắng) để trở thành chân sút vĩ đại nhất lịch sử Barcelona. Trước đấy, vào cuối năm 2012, Messi xô đổ kỷ lục 85 bàn của huyền thoại Gerd Mueller trong một năm dương lịch. El Pulga thiết lập kỷ lục vô tiền khoáng hậu 91 bàn.
Thật thừa thãi khi ngồi liệt kê số kỷ lục mà Messi và Ronaldo đã xô đổ bởi họ phá quá nhiều kỷ lục trong nội bộ đội bóng, đội tuyển, đấu trường quốc nội và châu lục. Danh sách kỷ lục ngày trước cực kỳ đa dạng với nhiều huyền thoại của mọi thời đại. Còn bây giờ, cứ mở ra là thấy Messi với Ronaldo đầu bảng.
Cặp kỳ phùng địch thủ đã thống trị Quả bóng vàng suốt 9 năm, Ronaldo nhất thì Messi nhì và ngược lại. Ngày xửa ngày xưa, người ta chỉ ước được một lần chạm vào bóng vàng, như George Best, Ronaldinho hay Zidane; hoặc là hai lần như Ronaldo béo, Di Stefano hoặc Franz Beckenbauer.
Những người vĩ đại như Michel Platini, Johan Cruyff và Marco Van Basten từng có 3 Quả bóng vàng. Nhưng còn 4 quả, 5 quả như Ronaldo và Messi thì sao? Bất khả thi.
Huyền thoại Xavi từng nói: “Trong tương lai, cuộc cạnh tranh giữa các cầu thủ hàng đầu thế giới sẽ công bằng hơn. Còn bây giờ, cánh báo chí vẫn cứ cố gắng bán những câu chuyện về cuộc chiến giữa Ronaldo và Messi.
Khi Messi giải nghệ, sẽ có Neymar, Hazard với nhóm vài cầu thủ ở đẳng cấp tương đương nhau.Tuy nhiên, sẽ chẳng có ai vươn lên tầm Messi”.
Ổn định không phải là một từ phù hợp dành cho Ronaldo và Messi. “Ổn định” làm người ta liên tưởng đến cầu thủ có thể thi đấu ở mức tốt trong thời gian dài. Chính xác thì chẳng có từ ngữ nào diễn tả kỳ tích mà bộ đôi này đã làm được trong thập kỷ qua.
Chúng ta không thể lấy thành tích của họ làm tiêu chuẩn mới cho cầu thủ vĩ đại. Khi cuộc cạnh tranh chính thức chấm dứt, Ronaldo về Bồ Đào Nha còn Messi về Argentina, làng túc cầu cần điều chỉnh lại sự kỳ vọng, cần có một tiêu chuẩn mới, ở mức thấp hơn, để phong tặng danh hiệu vĩ đại cho một cầu thủ.
Chưa có sự cạnh tranh giữa cặp đôi cùng thời nào tốn nhiều giấy mực, tốn nhiều tài nguyên mạng và làm công chúng phấn khích như Messi – Ronaldo. Một ngày không quá xa, chúng ta sẽ phải cổ vũ cho những cầu thủ mà mình cảm thấy họ chẳng đủ đẳng cấp để buộc giày cho Messi và Ronaldo.
Đó là điều buồn nhất. Sớm mai thức dậy, ta nhận ra cuộc cạnh tranh cá nhân vĩ đại nhất lịch sử đã kết thúc. Những kỷ lục với con số không tưởng sẽ trường tồn và chưa biết đến khi nào mới phá được.