Có thể bạn không tin, nhưng sự thật là Ronaldo luôn “cảm” được các thời khắc quan trọng, nắm bắt nó và đặt mình vào vị trí đặc biệt. Hôm nay có thể sẽ lại là một dịp như vậy.
Năm 2008, ngay sau khi Van der Sar cản được cú penalty cuối cùng của Anelka, Ronaldo gục xuống sân và khóc nức nở. “Tôi đã nghĩ đây là ngày tồi tệ nhất đời mình, nhưng té ra lại là ngày hạnh phúc nhất”, anh nói sau khi đã đứng dậy và hòa cùng các đồng đội trong lễ ăn mừng.
Ronaldo đã nhầm. 6 năm sau, anh lại nói rằng chiến thắng 4-1 trước Atletico và Real giành Decima mới là “đêm tuyệt vời nhất”. Tại Lisbon, siêu sao người Bồ Đào Nha giật phăng chiếc áo, gồng mình và khoe cơ bắp cuồn cuộn như tượng tạc của mình.
Nhưng một lần nữa, hai chiến thắng trước đã bị phủ nhận bởi trận chung kết Champions League năm ngoái. Và chiếc áo khốn khổ tiếp tục bị xé toang để Ronaldo lặp lại màn ăn mừng kinh điển, với tư thế và thân hình của nhà vô địch.
Sẽ không ngạc nhiên nếu hình ảnh đó tái hiện vào đêm nay. Và CR7 lại nói về “ngày hạnh phúc nhất”. Cần thông cảm cho anh. Thật khó để tìm ra các ngôn từ khác nhau để diễn tả niềm vui sướng, trong khi anh không phải nhà văn.
Các chiến thắng cứ nối tiếp đến và ngay cả bản thân Ronaldo cũng không tài nào biết được thời điểm nó sẽ ngừng lại để có thể chọn ra khoảnh khắc vĩ đại nhất đời mình. Quá nhiều và mật độ xuất hiện quá dày đặc.
Làm thế nào Ronaldo có thể?
Một số người không thích ngôi sao 32 tuổi sẽ nói rằng, Ronaldo không bao giờ tỏa sáng rực rỡ và trọn vẹn trong các trận chung kết đã chơi. Năm 2008, anh ta sút hỏng quả phạt đền đầu tiên. Năm 2014, 90 phút chính thức thật nhạt nhẽo với CR7. Năm 2016, các CĐV Real chế nhạo anh bằng dòng tweet: “Lỗi 404. Không thể tìm thấy Ronaldo”.
Nhưng tại sao Ronaldo vẫn là người chiến thắng cuối cùng? Lý do là cầu thủ người Bồ Đào Nha luôn “cảm” được các thời khắc quan trọng, nắm bắt nó và đặt mình vào một vị trí đặc biệt của trận đấu.
Ví dụ như cách đây 1 năm, trong khi hai đội trưởng của Real và Atletico tham gia vào màn tung đồng xu trước loạt luân lưu, còn Zidane và Simeone cố gắng úy lạo học trò, Ronaldo ngồi trầm ngâm bên chiếc xe chứa đồ uống. Sau đó – theo những gì anh kể lại – đã tiến đến chỗ HLV người Pháp, kéo ông ta ra phía xa và khẽ nói: “Hãy để tôi đá quả thứ 5”. CR7 biết điều gì đang chờ đợi ở phía trước.
Và câu chuyện lịch sử đã diễn ra đúng theo mường tượng của Ronaldo. Juanfran đá hỏng quả thứ 4 và Ronaldo bước lên. Một cú sút quyết đoán chếch bên phải khung thành, Jan Oblak bị đánh bại và Atletico sụp đổ.
Điều này cũng giống như khi anh đưa nhát kiếm cuối cùng kết liễu Rojiblancos vào năm 2014, hoặc cú đánh đầu đưa MU vượt lên dẫn trước Chelsea năm 2008. Ronaldo không cần tỏa sáng ở mọi thời gian, nhưng lịch sử luôn bất lực để gạt anh ra ngoài.
Cho dù không tỏa sáng tại Cardiff hôm nay, Ronaldo vẫn là “độc nhất vô nhị” ở đấu trường này với 103 bàn thắng và 31 đường kiến tạo – nhiều hơn bất kỳ cầu thủ nào khác trong kỷ nguyên Champions League.
Nhưng tất nhiên, anh ta luôn biết cách để trở thành tâm điểm. Để sau đó, lại được giới thiệu thân hình tuyệt mỹ của chiến thần bách thắng và nói về ngày tuyệt nhất của đời mình.
Ronaldo từng 5 lần chơi ở sân Thiên Niên Kỷ, bao gồm 4 cùng MU và 1 cùng Real. Anh giành chiến thắng 4 lần và ghi 6 bàn thắng. Nếu đánh bại Juventus đêm nay, CR7 cũng sẽ có danh hiệu thứ 20 trong sự nghiệp.