Số phận những ‘Messi mới’ trên khắp thế giới

“Messi mới” là một sự đánh giá rất cao cho các tài năng trẻ. Nhưng nó lại biến thể thành một lời nguyền hơn là may mắn.

Bojan Krkic (Messi Tây Ban Nha): Trường hợp đầu tiên phải kể đến là Bojan Krkic, người được mệnh danh ‘Messi mới” đầu tiên. Ở mốc 17 tuổi 19 ngày, anh phá kỷ lục của chính Messi, trở thành cầu thủ trẻ nhất xuất hiện trong đội hình Barcelona. Tính đến nay, thành tích tốt nhất trong một mùa giải của Bojan là 10 bàn thắng ở chiến dịch 2007/08. Barca bán Krkic cho AS Roma với giá 12 triệu bảng vào năm 2011. Sau đó, Bojan bị đem cho mượn tại Milan và Ajax nhưng cũng không chứng minh được hiệu quả. Hè 2014, anh ký hợp đồng 4 năm với Stoke City bằng mức giá chỉ hơn 1 triệu bảng.

Ryan Gauld (Messi Scotland): Năm 2012, HLV Peter Houston quảng cáo tài năng 16 tuổi có thể đi bóng như chỗ không người. Năm 2014, “Messi Scotland” chuyển từ Dundee United sang Sporting Lisbon với giá 3 triệu bảng và ký điều khoản giải phóng trị giá 60 triệu bảng. Mặc dù ra sân 5 lần cho Sporting trong mùa giải 2014/15, ghi được 2 bàn thắng, Gauld lại dành phần lớn thời gian của mình ở Bồ Đào Nha thi đấu cho đội B của Sporting. Bây giờ, ở tuổi 22, Ryan chuyển tới Vitoria ở giải VĐQG Bồ Đào Nha cũng theo dạng cho mượn và vẫn chưa thoát khỏi ghế dự bị.

Marko Marin (Messi nước Đức): Báo chí Anh giật tít “Chelsea ký hợp đồng với Messi nước Đức” khi đội bóng London chiêu mộ Marko Marin từ Weder Bremen vào năm 2012. Tuy nhiên, tổng cộng thời gian Marin đá cho Chelsea là… 143 phút rồi sau đó lang bạt qua 4 đội bóng. Hè 2016, Marin cập bến Olympiakos. Năm nay 28 tuổi, cánh cửa được gọi lên tuyển Đức đã đóng chặt với Marin.

Sardar Asmoun (Messi Iran): Cách đây hai năm, Sardar được hàng loạt đội bóng mạnh quan tâm, trong đó có Arsenal và Inter Milan. Khi sự quan tâm lắng xuống, Sardar chuyển từ Rubin Kazan sang Rostov cùng giải Ngoại hạng Nga theo dạng cho mượn và giúp đội bóng này suýt giành chức vô địch. Hè 2016, anh đã chính thức đầu quân cho Rostov.

Edon Zhegrova (Messi Kosovo): Edon trở thành hiện tượng YouTube vào năm 2014 sau khi các video bàn thắng ở 15 tuổi của em thu hút hàng trăm nghìn lượt xem. Thương vụ chuyển nhượng đến Arsenal, PSG hay Barcelona không thành hiện thực nhưng cậu thiếu niên được gia nhập lò đào tạo Standard Liege của Bỉ.

Take Kubo (Messi Nhật Bản): Năm nay 16 tuổi, tài năng trẻ của bóng đá Nhật Bản từng ăn tập ở La Masia nhưng bị bán sang FC Tokyo theo án phạt vi phạm luật chuyển nhượng áp dụng với Barca. Take Kubo có thể trở lại Catalan khi em tròn 18 tuổi.

Xherdan Shaqiri (Messi Thụy Sĩ): Shaqiri chỉ tìm thấy chính mình khi chuyển đến Stoke trong mùa hè 2015 từ Inter Milan. Gia nhập Bayern Munich từ Basel với kỳ vọng lớn nhưng Shaqiri không được ra sân thường xuyên. Anh được so sánh với Messi nhờ kỹ thuật và kỹ năng điều khiển bóng bằng chân trái, nhưng về độ vạm vỡ của cơ thể thì anh giống các đồng nghiệp vai u thịt bắp. Với ngoại hình giống một võ sĩ quyền Anh hơn là một cầu thủ bóng đá, Shaqiri hiểu rõ lợi thế và bất lợi của mình: “Tôi có sức mạnh, tốc độ nhưng không giỏi khi tham gia phòng ngự, trong khi ở những đội bóng từng thi đấu, các HLV thường đòi hỏi điều này ở tôi,” ngôi sao sinh năm 1991 chia sẻ.

Raul Ruidiaz (Messi Peru): Các cầu thủ Brazil ở Copa America 2016 chắc chắn sẽ nhớ Raul. Chính anh này là người ghi bàn bằng tay loại Brazil khỏi giải. “Messi của Peru” đang chơi cho Morelia của Mexico và tỏ ra rất có duyên khi ghi được 3 bàn thắng trong 5 trận đấu quốc tế gần đây với đội tuyển.

Patrick Roberts (Messi nước Anh): Tháng 7 năm 2015, Patrick được Man City đưa về với mức giá 12 triệu bảng nhưng nhanh chóng được đem cho Celtic mượn 18 tháng.

Christian Atsu (Messi châu Phi): Cầu thủ Ghana đã khoác áo đội tuyển quốc gia 42 lần nhưng chưa ra sân trận nào trong màu áo Chelsea – đội bóng đang sở hữu anh. Atsu hiện tại thi đấu ở hạng nhất Anh cùng Newcastle. Đây là bản hợp đồng cho mượn thứ năm của Atsu kể từ khi gia nhập “Vua cho mượn” Chelsea. Anh đang chịu chung số phận long đong như rất nhiều tài năng trẻ gia nhập Chelsea.

Lee Seung Woo: World Cup U20 là một giải đấu thành công với cá nhân Lee Seung Woo, khi anh ghi 2 bàn và in dấu giày ở 2 bàn thắng khác cho U20 Hàn Quốc. Cho dù đội tuyển xứ kim chi sớm dừng chân ở vòng 1/16 nhưng Lee Seung Woo đã có màn ‘chào thế giới’ đầy ấn tượng. Sau khi giải đấu khép lại, Lee Seung Woo đã được một số đội bóng ở châu Âu đánh tiếng muốn chiêu mộ. Có thể kể đến Borussia Dortmund. Messi xứ Hàn hoàn toàn có thể tự do đàm phán với bất kỳ CLB nào, bởi hợp đồng của anh với đội U19 Barca đã hết hạn vào ngày 1/7 vừa qua.

 

Công Phượng (Messi Việt Nam): Trong 3 năm qua, Công Phượng là cái tên nổi bật và nhận được nhiều kỳ vọng nhất của bóng đá Việt Nam. Từ việc là trụ cột của đội U19, đến trở thành cầu thủ đầu tiên sang Nhật thi đấu và góp mặt trong ĐTQG ở độ tuổi đôi mươi, Công Phượng được kỳ vọng sẽ tỏa sáng, đúng với biệt danh “Messi Việt Nam”. Nhưng càng kỳ vọng, người hâm mộ lại càng cảm thấy tiền đạo sinh năm 1995 này “đuối” trong những giai đoạn quan trọng nhất. Đầu tiên là chuyến đi thất bại ở CLB Mito Hollyhock, sau đó là việc không thể tìm lại phong độ trong màu áo HAGL và bây giờ là hình ảnh nhạt nhòa ở ĐT Việt Nam. “Messi Việt Nam” đang chững lại và người ta chưa thể đưa ra lý giải nào thỏa đáng cho điều đó.

Bài liên quan