Chúng ta đã nói quá nhiều về Mourinho và sự bảo thủ của ông trong cách tiếp cận các trận đấu lớn theo hơi hướm phòng ngự phản công. Nhưng nếu Mourinho thay đổi, và ông có đủ những “nguyên liệu” cho phong cách tấn công thì sao?
1.Tất nhiên, Mourinho không bao giờ chịu thừa nhận rằng ông là kẻ đi theo khuôn mẫu của Pep. Nhưng thực tế trong quá khứ đã chứng minh đội bóng của Mourinho cũng có thể chơi tấn công tưng bừng, nếu như ông có đủ nhân sự để theo đuổi lối đá ấy.
M.U sẽ cần điều kiện nào để Mourinho áp dụng lối đá ấy? Tháng 12 này, Paul Pogba và Zlatan Ibrahimovic sẽ trở lại sau chấn thương. Trong trường hợp ấy, M.U có thể bố trí đội hình theo phong cách tấn công ấn tượng nhất, bất kể Henrikh Mkhitaryan có hồi sinh hay không.
Trước mắt, với lịch thi đấu thuận lợi khi chỉ phải gặp Newcastle, Brighton và Watford sau khi kết thúc kỳ nghỉ dành cho loạt trận quốc tế, Mourinho sẽ có điều kiện triển khai lối chơi tấn công áp đặt hơn, thay vì đá kiểu thận trọng đến cùng cực như thời gian qua.
Đúng là Mourinho có xu hướng khép chặt các trận đấu khi gặp những đối thủ lớn, và tỷ số khi gặp Liverpool (0-0), Tottenham (1-0) và Chelsea (0-1) là những minh chứng, song việc tấn công và ghi bàn không ngừng nghỉ như hồi đầu mùa cũng rất quan trọng.
2. Trong trận mở màn Premier League gặp West Ham, Mourinho đã bố trí đội hình với 5 cầu thủ tấn công là Juan Mata, Mkhitaryan, Paul Pogba, Marcus Rashford và Romelu Lukaku. Khi ấy, hầu như không ai nhắc tới khái niệm đậu xe bus cả.
Và khi những cầu thủ tấn công tốt nhất của Mourinho trở lại, có rất nhiều lý do để tin rằng ông sẽ lại theo đuổi lối chơi ấy. Liệu chiến lược gia người Bồ sẽ làm gì khi vứt bỏ sự thận trọng đã đeo bám ông suốt hơn một tháng qua? Một hàng tấn công với bộ ba Rashford – Lukaku – Anthony Martial? Một Ibrahimovic với vai trò của “số 10” (anh cũng đang mặc áo số 10) thay vì Mkhitaryan sa sút và thiếu ý tưởng? Về lý thuyết, đó sẽ là một đội hình rất mạnh về tấn công.
Tất nhiên, trong đội hình này, Nemanja Matic sẽ phải cáng đáng trách nhiệm phòng ngự lớn hơn nữa vì anh không có Ander Herrera hỗ trợ, nhưng rõ ràng, đẳng cấp của Pogba và Ibrahimovic là rất đáng để Mourinho cân nhắc đưa cả hai vào ê kíp tấn công của mình.
Carrick vẫn đang ốm một cách bí hiểm, và anh cũng đã quá già, Pogba chính là cầu thủ có đủ nhãn quan chiến thuật để phát hiện những khoảng trống và cung cấp bóng cho Lukaku, để giúp anh chấm dứt chuỗi trận tịt ngòi đã kéo dài tới con số 7. Những bước chạy của Pogba từ khu trung tuyến cũng sẽ là một thứ vũ khí đáng sợ, dù khi anh vắng mặt, Ander Herrera đã cố gắng để thay thế.
3.Với Ibra, Mourinho không chỉ chào đón sự trở lại của một máy làm bàn để giảm bớt sức ép cho Lukaku, mà anh còn có thể đóng vai trò cây cầu nối giữa hàng tiền vệ và tiền đạo, theo phong cách đặc biệt mà cả Mkhitaryan và Mata đều đã không làm được. Mùa trước, việc Ibra lùi sâu là vấn đề của M.U, nhưng giờ thì khác, bởi ở phía trên, họ đã có một mẫu “số 9” càn lướt là Lukaku để kéo giãn hàng thủ đối phương.
Thời gian gần đây, việc M.U lùi sâu khiến Lukaku trở nên cô độc, và có ít cơ hội. Sự trở lại của Ibra có thể thay đổi điều đó, và nếu Mourinho mạnh dạn bố trí cả Martial lẫn Rashford ở hai bên cánh, thay vì sử dụng họ luân phiên, đó sẽ là một ê-kíp tấn công cực đáng gờm.
Đừng hỏi tại sao, M.U mong Pogba- Ibrahimovic trở lại đến thế!