Man City mất điểm, thời gian này họ thường mất điểm nhưng khả năng về một cuộc sụp đổ gần như không có. Man City quá mạnh hay phần còn lại quá yếu, tất cả đều rõ ràng.
Nửa tháng sau thất bại đầu tiên tại Ngoại hạng Anh mùa này trước Liverpool, Man City lại bị Burnley cầm hòa trong một trận cầu đáng tiếc. Thầy trò Pep Guardiola có rất nhiều cơ hội để dứt điểm trận đấu nhưng đều không thành công, đáng tiếc nhất là pha đệm bóng tệ hại ở khoảng cách 2m và trước mặt là gôn trống của Raheem Sterling.
Với 13 điểm hơn đội xếp thứ 2 là M.U và 12 vòng đấu còn lại của mùa giải, có hẳn một làn sóng kêu gọi Guardiola nên thực dụng hơn. Không cần là những cuộc thảm sát nữa, chiến thắng với cách biệt 1-2 bàn là quá đủ để giành 3 điểm. Hiệu số phụ hơn M.U tới 22 đơn vị đủ để City ung dung tới cuối mùa.
Tất cả đều có lý nhưng chắc chắn đề xuất này không vừa tai Guardiola. Như cách nói của nhiều người, Pep là một “nhà truyền giáo”. Ông đến đây, nước Anh, cũng như Tây Ban Nha hay Đức trước kia, để phổ biến thứ bóng đá đặc trưng của mình. Vì bất cứ lý do nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào, tôn chỉ đó cũng không thay đổi.
Man City của Guardiola phải là đội bóng tấn công cống hiến với những mảng miếng phối hợp làm kinh ngạc các khán đài. Nếu chỉ vì nghĩ tới danh hiệu mà từ bỏ, Guardiola đã không còn là cái người mà chúng ta vẫn biết rồi.
Thất bại trước Liverpool và trận hòa Burnley xảy ra theo cách khó lý giải. Nhưng nó đến như lẽ thường tình và cũng chẳng cần mất công vắt óc tìm nguyên nhân. Một vài trận đấu không được như mong muốn, trong hoàn cảnh hiện tại, có tác dụng phụ như một hồi chuông cảnh tỉnh đúng lúc. Man City không được phép ngủ quên bởi còn hẳn một chặng đường phía trước.
Pep đón nhận những kết quả tiệu cực một cách bình thản. Nó đơn giản chỉ là một cái nhíu mày nhẹ trên đỉnh mái đầu trọc của ông. Nhưng dù có thêm nhiều nếp nhăn đi chăng nữa, Pep cũng quyết không nuôi… tóc để giống Jose Mourinho.
Oliver Holt, cây viết trên tờ Daily Mail, chia ra 2 quan điểm về cách Man City đang thống trị Ngoại hạng Anh. Quan điểm thứ 1 theo số đông người lựa chọn là cuộc sống này thật không công bằng. Pep là một kẻ gian lận, luôn vẫy những tấm séc của mình trước những đối thủ nghèo khó, và rằng tiền của Man City “bẩn” hơn tiền đến từ những ông chủ ở Mỹ, Nga hay Trung Quốc.
Man City đang biến phần còn lại của nước Anh trở nên tầm thường, do đó họ cố gắng xem thường thành tựu của kẻ dẫn đầu. Với một số người, Man City còn hơn một nỗi ám ảnh. The Citizens vượt trội về kinh tế và giờ thắng thuyết phục cả trên sân bóng.
Nhưng quan điểm thứ 2 lại chọn cách nhìn vào thực tế. Chẳng có đội bóng nào ở Ngoại hạng Anh được gắn mác “nghèo”, họa chăng chỉ là “không giàu bằng” đội khác. Nhưng một số đội quản lý tốt và chi tiêu hiệu quả số tiền của mình – điều thể hiện qua kết quả, một số khác thì không.
Guardiola đã tiêu rất nhiều tiền, nhiều hơn bất cứ HLV nào khác trong cùng giai đoạn. Nhưng đó không phải là những cuộc mua sắm hoảng loạn, đó là những mảnh ghép cho miếng xếp hình cỡ lớn gắn thương hiệu tiqui-taka. Có ai dám phủ nhận những gì mà Pep mang đến cho Man City trong 18 tháng qua?
Đương nhiên, tạo ra một thứ khác biệt như vậy sẽ gặp phản ứng từ số đông. Phần còn lại sẽ phản kháng lại, theo bất cứ cách nào, kể cả là tiêu cực nhất. Như Sterling từng kêu cứu ít lâu trước, Man City đang bị “bạo hành” trên sân.
Dẫu sao thì đó cũng là một phản ứng tự nhiên. Man City đang áp đảo bằng vẻ đẹp của mình và cần nhiều hơn nữa những nỗ lực, thay vì chỉ là những cú đạp triệt hạ để ngăn chặn của phần còn lại.