Hàng thủ U20 Việt Nam: Bước ngoặt ở những “quân xe”

Sự chia tay đột ngột của Văn Tới có thể không làm HLV Hoàng Anh Tuấn âu lo về số lượng hậu vệ đánh biên. Tuy nhiên, để tránh gặp rắc rối đến từ tốc độ ở hai cánh của New Zealand, thuyền trưởng của U20 Việt Nam cần có những toan tính riêng cho các vị trí này.

Đủ hảo thủ ở hai bên tả hữu

Cũng phải đến chiến dịch U20 World Cup 2017, HLV Hoàng Anh Tuấn mới có thể hài lòng về những hậu vệ biên mà ông có trong tay. Xuyên suốt 2 năm trời xây dựng U20 Việt Nam đến thời điểm hiện tại, vị trí phòng ngự ở hai cánh luôn là điều khiến nhà cầm quân người Khánh Hòa đau đầu hơn cả. Bởi chưa bao giờ tại một giải đấu, ông có nhiều hơn một sự lựa chọn được xem là yên tâm cho hai hành lang.

Vị trí phòng ngự ở hai cánh luôn là điểm yếu của U20 việt Nam

Sự góp mặt của Trần Đình Trọng cùng Đỗ Thanh Thịnh, sau lần dở dang ở hai chiến dịch U19 Đông Nam Á và U19 châu Á 2016, mang tới cho HLV Hoàng Anh Tuấn những phương án đáng tin cậy để sắp xếp lên sa bàn chiến lược. Hồ Tấn Tài, hậu vệ duy nhất được giữ lại ở hàng phòng ngự tại đợt tập trung đầu tiên của đội U19 Việt Nam cách đây 2 năm, sẽ có thêm người chia lửa bên hành lang phải, đó là Đình Trọng. Trong khi đó, Văn Hậu cũng yên tâm hơn khi kéo lên đá tiền vệ trung tâm, bởi vị trí hậu vệ trái của cầu thủ này đã được đồng đội Thanh Thịnh đảm nhiệm.

Quân xe chống… quân xe

Trên một bàn cờ, sự cơ động ngang – dọc với tầm di chuyển rộng khắp gần như không giới hạn giúp quân xe đóng vai trò quan trọng trong thành bại của một trận đánh. Và đối đầu với U20 New Zealand có thiên hướng đánh biên, nhiệm vụ dành cho những hậu vệ cánh của U20 Việt Nam cũng vì thế mà vô cùng nặng nề.

HLV Hoàng Anh Tuấn đã nói chi tiết về việc chống bóng bổng của U20 Việt Nam. Sứ mệnh đó không chỉ giao cho các trung vệ, những người sẽ phải không chiến với các cầu thủ cao to từ châu Đại dương mà bản thân các hậu vệ biên cũng cần phải áp sát rất nhanh để không cho các tiền vệ cánh của đội bạn kịp thời thực hiện đường bóng bổng vào vòng cấm.

U20 Việt Nam phải cảnh giác nhất với những tình huống chống bóng bổng

Nhưng đó chưa phải là sức mạnh thực sự của New Zealand. Trong suốt 6 năm nắm quyền, HLV Darren Bazeley đã xây dựng miếng đánh biên thuần thục cho các học trò. Lấy hai trận New Zealand thắng 5-1 trước Myanmar ở U20 World Cup 2015 và trận chung kết U20 châu Đại dương, nơihọ đánh bại Vanuatu tới 5 bàn không gỡ, thì mẫu số chung trong hầu hết các pha lập công không phải là đánh đầu mà chính là những pha áp sát ở hai biên trước khi thực hiện đường chuyền xẻ nách vào vòng cấm để hàng tiền đạo hay tuyến 2 băng lên dứt điểm.

Tốc độ, khả năng càn lướt luôn là điểm mạnh của các cầu thủ đến từ châu Đại dương. Nhưng đây cũng sẽ là thử thách với các hậu vệ của U20 Việt Nam trong việc tìm cách ngăn chặn. Trở lại với trận thua 2-5 trước U19 Australia – một đối thủ cũng từ châu Đại dương tại bán kết VCK U19 Đông Nam Á 2016, thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn cũng đã thất bại khi để các cầu thủ đánh biên của đối phương qua mặt dễ dàng trước khi chuyền bóng vào khoảng trống nơi vòng cấm. Gần hơn, tại trận thua 1-4 trước U20 Argentina, việc không thể theo sát các cầu thủ hai biên của đội bạn cũng là lý do khiến U20 Việt Nam phải nhận một nửa số bàn thua từ đó.

Hơn ai hết, HLV Hoàng Anh Tuấn hiểu rõ từng ưu nhược điểm của đội. Ông cũng đã có những sự tìm hiểu nhất định về U20 New Zealand. Vậy hãy chờ đợi với những “quân xe” chất lượng đang có trong tay, ông thầy người Khánh Hòa sẽ điều binh như thế nào!

Bài liên quan