Các nhà tổ chức đã nghiên cứu từ vòng tứ kết Cúp Quốc gia mùa này sẽ chơi hai lượt trận đi – về vẫn không thể cứu vãn những khán đài hoang vắng đìu hiu.
Cúp Quốc gia là đấu trường lớn thứ hai sau giải vô địch ở mỗi quốc gia nhưng với làng bóng Việt Nam thì nó luôn bị xem là sân chơi phụ với một mục đích ích kỷ.
Các đội xem đấu cúp như bước khởi động cho V-League hoặc để thử nghiệm đội hình hay thử việc cầu thủ nên rất khó đem lại cho khán giả những bữa tiệc trân trọng và ngon lành.
Chẳng mấy ai tin SHB.Đà Nẵng quá mạnh đến mức cuốn phăng đội đừng đầu V-League Thanh Hóa 5-1 và vừa vùi dập sân khách Than Quảng Ninh 3-0 ở lượt đi tứ kết Cúp Quốc gia.
Bóng đá thế giới có những bất ngờ khó tin theo kiểu một đội yếu hơn vẫn có thể đánh bại đối thủ lớn nhưng với làng bóng mình thì luôn diễn biến theo chiều hướng hài kịch.
Cứ nhìn vào lượng khán giả chịu bỏ tiền mua vé đến sân xem các CLB đá Cúp Quốc gia sẽ rất dễ hiểu nó quyến rũ đến cỡ nào. Theo thống kê ước lượng của các ban tổ chức sân, Thống Nhất có 1.000 khán giả, Cần Thơ 500, Cẩm Phả 5.000, Vinh 400.
Những con số không biết nói dối, dẫu ai cũng biết các nhà tổ chức luôn có thói quen kê khống để làm vui lòng người miễn cưỡng hoặc thành tâm bỏ tiền chi cho giải mong nó tốt lên.
Bên cạnh đó, giải thưởng vài chục triệu đồng cho mỗi trận thắng chưa bao giờ hấp dẫn các đội bóng, vì chi phí tổ chức sân nhà hay đi sân khách đều cao hơn gấp nhiều lần.
Đấy là chưa tính đến việc “lỡ” vô địch thì mùa sau CLB gặp đủ thứ rắc rối, từ việc tính toán lực lượng, phân bổ nhân sự cho nhiều mặt trận và làm rổ đựng bóng ở đấu trường AFC Cup.
Cơ hội nâng tầm CLB với các nền bóng đá chuyên nghiệp và đội bóng chuyên nghiệp như láng giềng Thái Lan để thu hút các gói tài trợ không khó, nhưng luôn là bài toán nan giải với bóng đá Việt Nam.
Nguy hiểm hơn vẫn là thái độ thi đấu không đúng mực của các đội bóng với tư tưởng buông bỏ từ trong trứng nước dễ biến thành môi trường xấu cho hành vi thừa nước đục thả câu “bán thắng” hay thua đều có tiền bẩn.
Nó từng đem lại nỗi nhức nhối và xấu hổ cho bóng đá Việt Nam như lần cầu thủ mặc áo Ninh Bình phải ngồi tù vì bán mình ở AFC Cup sau khi vô địch Cúp Quốc gia.
Cúp Quốc gia nghèo nàn về tính chuyên môn và vật chất từ các đội bóng, khiêm tốn bồi bổ tinh thần cho khán giả vẫn diễn ra hết mùa này đến mùa khác.
Đã thế, sáng kiến đá hai lượt knock out đi – về bắt đầu từ vòng tứ kết chỉ tổ làm vơi đi ngân quỹ của CLB.
Không thể bỏ Cúp Quốc gia nhưng để không phải sống vất vưởng đời thực vật thì các nhà làm giải cần phải tính kỹ đến hiệu quả của nó, thay vì cứ mãi sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi…