Tân CEO VPF Trần Anh Tú xác định, BTC giải V-League 2018 đang rất hy vọng thành công của U23 sẽ tạo cuộc cách mạng với V-League 2018. Người hâm mộ sẽ được chứng kiến thứ bóng đá sạch, đẹp, có sức cạnh tranh quyết liệt, hấp dẫn.
Cách mạng bóng đá trẻ
Gần như chắc chắn, VFF sẽ nhất trí việc các đội dự V-League 2018 phải có ít nhất 1 cầu thủ U23 (thậm chí 2 cầu thủ) được ra sân. Đã đến lúc những người làm bóng đá của VFF và CLB thấu hiểu, phải tăng cường công tác đào tạo trẻ và tạo cơ hội cho cầu thủ trẻ ra sân. Điều này chỉ làm lợi cho chính CLB và đội tuyển quốc gia, hơn ai hết B.Bình Dương là đội thấu hiểu điều đó. Rõ ràng thắng lợi của U23 Việt Nam tại giải đấu châu lục vì HAGL, Hà Nội, SLNA…đã mạnh dạn dùng các cầu thủ trẻ, họ được trưởng thành rất nhiều trong màu áo CLB và các giải trẻ khu vực.
Mùa giải vừa rồi “Chelsea của Việt Nam” sau nhiều năm vung tiền mua sao đã chuyển sang chiến lược dùng “cây nhà, lá vườn” và đang được khán giả ủng hộ. Thực tế HAGL, SLNA, Hà Nội, SHB Đà Nẵng và khá nhiều đội bóng khác đang đi theo hướng này, VPF không bắt buộc thì họ cũng dùng khá nhiều cầu thủ trẻ do mình đào tạo. Ngay như Trung Quốc, các CLB nhà nghề của họ không thiếu tiền để mua thầy giỏi, cầu thủ hay nhưng các CLB vẫn phải đưa ra sân 2 cầu thủ dưới 23 tuổi là điều khiến chúng ta phải suy nghĩ.
Bóng đá sạch lên ngôi
Đây là mùa bóng đầu tiên CEO Trần Anh Tú tham gia điều hành V-League 2018. Bóng chưa lăn nhưng người ta đã thấy sự cạnh tranh quyết liệt của mùa giải 2018. Nếu như năm ngoái, đến tận vòng đấu cuối vẫn có 4 đội bóng tranh nhau chức vô địch thì vị trí xuống hạng Long An đã “độc chiếm” chỉ sau vài vòng đấu. Việc có đến gần 10 đội bóng thi đấu V-League 2017 mà không có mục tiêu cụ thể khiến mùa giải kém đi sự kịch tính, hấp dẫn.
Năm nay, VFF đã quyết định sẽ có 1,5 suất đội V-League 1 xuống hạng nhất, ngược lại sẽ có 1,5 suất cho hạng Nhất lên V-League. Người hâm mộ sẽ chứng kiến trận tranh play-off giữa đội nhì hạng Nhất và đội đứng áp chót V-League. Điều đó hứa hẹn cuộc đua trụ hạng trở nên gay cấn, quyết liệt hơn. Các đội Cần Thơ, Sài Gòn và tân binh Nam Định đang được xem là những ứng cử viên cho suất chạy trốn xuống hạng.
Cuộc đua của chức vô địch cũng dự báo sôi động hơn khi ngoài những cái tên quen thuộc như FLC Thanh Hóa, Hà Nội FC, Than Quảng Ninh có thêm HAGL và TP.HCM. Việc bầu Đức cho gọi Xuân Trường về nước, tung tiền mua ngoại binh hay, tuyên bố tham vọng HAGL sẽ vô địch V-League 2018 khiến mùa giải này đáng xem hơn rất nhiều. Ông bầu trẻ Công Vinh, sau khi bỏ núi tiền tuyển thầy ngoại, thay máy hàng loạt cầu thủ cho thấy TP.HCM cũng không đứng ngoài cuộc.
Rõ ràng, thử thách đầu tiên của tân CEO VPF Trần Anh Tú khi muốn kéo khán giả trở lại khán đài là phải tổ chức được các trận đấu sạch. Bầu Tú xác định quyết tâm: “Đó là các trận đấu sẽ thật sạch. Chỉ riêng việc đó thôi cũng đã lôi kéo người hâm mộ đến sân rồi. Mà việc này không hề khó với các CLB vì không đòi hỏi các CLB phải tăng chi phí của mình”.
Khó nhất vẫn là khâu trọng tài, mắt xích yếu nhất trong gần 2 thập kỷ bóng đá Việt Nam. Với lý lẽ “trọng tài cũng là con người, mà là con người thì ai cũng có thể mắc sai lầm” đội ngũ cầm còi Việt Nam đã làm hỏng đi khá nhiều trận đấu hay, làm ngán ngẩm cầu thủ, khán giả. Ban trọng tài và các nhà quản lý bóng đá không tài nào lý giải được, tại sao trọng tài ngoại bắt V-League cũng mắc sai lầm nhưng cầu thủ lại không phản ứng. Người ta đang chờ CEO Anh Tú sẽ làm thế nào để bóng đá sạch lên ngôi?