Đông đảo khán giả hâm mộ khắp nơi trên thế giới đang hướng về El Clasico đêm nay với nhiều nỗi mong đợi, nó là trận đấu lớn nhất trong giai đoạn từ dịp Lễ giáng sinh đến năm mới. Trong nỗi cuồng nhiệt ấy, liệu mấy ai biết được dân Tây Ban Nha có nhiều người dùng từ “morbo” ( bệnh dịch ) để miêu tả sự thù hằn và lớp “màn đen” phủ lên trận đấu này?
“Bệnh dịch” trong tâm tưởng của nhiều người có lẽ đã là một từ đủ năng nề và tiêu cực khi đem ra nói về trận El Clasico. Tuy nhiên từ ấy chưa là gì so với những ngôn từ mà tờ The Guardian của Anh dùng để lột tả tính chất trận đấu này. Bạn sẽ thấy tờ báo có uy tín vào loại hàng đầu nước Anh đưa ra những tính từ tệ hại nhất để cho người đọc hình dung về “Siêu kinh điển” như sự bẩn thỉu, hôi thối, ghê tởm. Và là một khối u của bóng đá Tây Ban Nha, một khối u đang “mưng mủ”.
Vô cùng nhức nhối. Xuyên suốt chiều dài lịch sử bóng đá Tây Ban Nha, người ta luôn thấy sự thù hằn hiện rõ lên từng khuôn mặt những người hâm mộ Real và Barca.
Nhiều người hâm mộ trên toàn thế giới, trong đó có chúng ta, luôn cảm thấy háo hức trước mỗi trận El Classico, trước mỗi cuộc thư hùng của hai đội bóng mạnh nhất hành tinh. Những ngôi sao sáng nhất hành tinh. Nhiều năm trước, là Zidane, Figo, Ronaldo. Là Rivaldo, là Ronaldinho. Còn bây giờ là Messi, Cristiano Ronaldo.
Trước mỗi trận thư hùng được diễn ra tại Nou Camp hay Bernabeu, những mỹ từ tuyệt vời nhất và đẹp đẽ nhất luôn được cánh báo chí ra rả suốt ngày. Và không phải ai cũng đủ tự tin như tờ báo của Anh. Chỉ trích nó bằng những từ ngữ cay độc nhất.
Có một vấn đề mà rất nhiều người đã nói từ lâu, đó là vấn đề bản quyền truyền hình tại La Liga – thứ luôn là một nỗi xấu hổ. Barca và Real Madrid, nhận được tổng số tiền bản quyền truyền hình gấp 6,5 lần so với đội bóng đứng thấp nhất tại La Liga nhận được.
Một sự chênh lệch khủng khiếp. Và nếu người ta có yêu cầu một cuộc “chiếm lấy phố Wall” cần phải được diễn ra tại Tây Ban Nha, âu cũng là sự hợp lý.
Chỉ 1 phần trăm số người giàu tại Mỹ chiếm lấy 80 phần trăm số của cải của đất nước. Và điều tương tự cũng đang diễn ra tại La Liga. Người giàu có nhiều cơ hội để thành công hơn người nghèo, và Barca hay Real, với khoản tiền thu nhập khổng lồ, thoải mái mua sắm cầu thủ. Dễ dàng tạo ra những bàn tay nhỏ, những màn thảm sát, dễ dàng đưa thêm những ngôi sao mới đem vào mỗi trận El Clásico.
“Tất cả các chủ ngân hàng đều là phát xít”. Đó là những gì người biểu tình tại Mỹ từng nói, và viết trong các cuộc biểu tình, và trên các bức tường ở phố Wall. José María del Nido, cựu chủ tịch Sevilla, cũng từng chửi Perez và Rosell như tát nước. Ông cũng chính là người đã khởi xướng “cuộc chiếm lấy phố Wall” tại La Liga.
Del Nido sau đó nhanh chóng phải vào tù sau khi “cuộc cách mạng” mà ông khởi xướng vẫn còn dang dở, do những cáo buộc về tài chính.
Trong nguyên tắc hoạt động của mình, FIFA luôn cấm những gì dính dáng đến chính trị. FIFA hoàn toàn có lý, chỉ có như thế, bóng đá mới là bóng đá. Nhưng mọi hệ quy chiếu mà FIFA áp đặt có thể không chính xác tại Tây Ban Nha.
Người Catalonia sử dụng Barcelona như một đội quân. Khẩu hiệu “Més que un club” của họ là minh chứng rõ ràng nhất. Điều tương tự cũng diễn ra với chính quyền Madrid.
Thế chiến thứ hai, trước trận lượt về bán kết Copa Del Rey, chính quyền Franco cho một tùy viên quân sự vào phòng thay đồ của Barca, và sau đó Barca thua 11-1, thất bại nặng nề nhất trong lịch sử đội bóng.
Với nhiều người Tây Ban Nha, bóng đá trộn lẫn chính trị, và chính trị hòa quyện cùng bóng đá. Điều đó có tốt không, chắc là cũng tốt, vì có ít ra mỗi mùa giải, cũng có hai trận đấu ở La Liga được vinh dự chiếm lượng “rating” cao nhất thế giới.
Nhưng khi cuộc vui đã tàn. Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, Barca sẽ sang Pháp, hay Tây Ban Nha sẽ lại tan đàn xẻ nghé ?!.
Bạn hạnh phúc khi xem El Clásico. Nhưng với phần còn lại của La Liga, hay của Tây Ban Nha, điều đó có lẽ không xảy ra.