U23 Việt Nam đang cho thấy, họ là đội bóng bản lĩnh, lì lợm và xứng đáng nhất cho chức vô địch U23 châu Á 2018.
Thể lực cải thiện rõ rệt
Đến với VCK U23 châu Á lần này, thể lực của các cầu thủ vẫn là dấu hỏi lớn nhất của người hâm mộ. Sẽ ra sao nếu chúng ta phải chơi 90 phút với những đối thủ hơn hẳn về thể hình và sức bền. Nhưng rồi tất cả đều bất ngờ trước những Xuân Trường, Quang Hải, Đức Huy chơi 510 phút từ đầu giải mà cảm giác như vẫn có thể thi đấu ngay thêm 1 trận nữa.
Chính nhờ vào việc thể lực được “nâng cấp” một cách rõ rệt, chúng ta mới có thể chơi bóng sòng phẳng, đua tốc độ với đội bạn ở những tình huống tranh chấp tay đôi ngay cả những phút cuối cùng của hiệp phụ. 90 phút quần thảo với Syria, 120 phút nghẹt thở trước Iraq, rồi thêm hơn 2 tiếng đồng hồ trước một Qatar giàu thể lực lẫn tốc độ, U23 Việt Nam vẫn tỏ ra không hề thua kém.
Và trận đấu sắp tới, dù có phải thi đấu trong 90 phút hay là 120 phút đi chăng nữa, NHM cũng hoàn toàn yên tâm về “độ bền” của các tuyển thủ.
Hạn chế sai lầm cá nhân
Bóng đá luôn tồn tại những sai số, nhưng trong quá khứ đội tuyển Việt Nam lẫn U23 luôn mắc phải những sai lầm cá nhân ở những thời khắc quyết định. NHM chẳng thể quên pha đỡ bóng hụt của Nguyên Mạnh, pha phá bóng lỗi của Đình Đồng tại AFF Suzuki Cup 2016, pha ra vào bất cẩn của Phí Minh Long trận đấu với người Thái tại SEA Games vừa qua. Tất cả những sai lầm đó luôn vô tình đẩy Việt Nam vào cửa khó, nếu không muốn nói là không có đường thoát thân.
Tuy nhiên ở giải U23 châu Á lần này, mọi sai lầm ấy dường như đều được giảm thiểu một cách tối đa. Dù vẫn có những “hạt sạn” (như Đình Trọng mắc lỗi vị trí trong pha bẫy việt vị trong trận gặp Hàn Quốc), nhưng nhìn chung, U23 Việt Nam lần này đã khắc phục được điểm yếu cố hữu mà trước nay các tiền bối đều mắc phải.
Nếu để lý giải cho điều này, có thể nói U23 Việt Nam đã… “sai lầm thí điểm” ở những trận đấu chuẩn bị cho giải bóng đá châu lục lần này. Không nói đâu xa, ở giải M150 cách đây hơn 1 tháng, Duy Mạnh liên tiếp mắc sai lầm, không phải phá bóng hỏng thì cũng là xử lý bóng không dứt khoát, nhưng khi vào giải chính thức, trung vệ của Hà Nội FC chơi vô cùng chắc chắn, trở thành điểm tựa cho các đồng đội. Chỉ cần duy trì sự tập trung cao đô, sự kỷ luật, những sai lầm cá nhân sẽ tiếp tục không xuất hiện trong trận chung kết.
Tận dụng cơ hội tốt
Điều khác biệt trong lối chơi của chiến lược gia Park Hang-seo so với HLV tiền nhiệm mà nhiều người nhìn thấy ngay đó là ông thầy người Hàn biết cách mài sắc những đợt tấn công của U23 Việt Nam. Chúng ta đã không dưới 1 lần phải ôm hận chỉ vì không thể dứt điểm trận đấu, mặc dù cơ hội trong tay là rất nhiều.
Cơ hội đối mặt với khung thành đối phương ở một trận đấu sân chơi khu vực với một đội đến từ vùng trũng của bóng đá thế giới như Việt Nam đương nhiên là sẽ rất hạn chế, bởi vậy, khi có những tình huống ăn bàn mười mươi, các cầu thủ buộc phải xử lý nhanh, gọn và chính xác. Ở VCK U23 châu Á lần này, các chân sút áo đỏ đã biết chắt chiu tình huống hơn trước.
Vẫn còn đâu đó những pha xử lý “cồng kềnh”, quá cầu toàn như trường hợp của Đức Chinh trận gặp (Australia) hay Công Phượng (cuối hiệp 1 trận gặp Qatar) nhưng về cơ bản, những chân sút áo đỏ đã biết cách cụ thể hóa những cơ hội mình có trong tay.
Nếu không thực sự quyết đoán, Phan Văn Đức đã không thể dứt điểm trong tư thế quay lung với khung thành đối phương, gỡ hòa 2-2 cho Việt Nam hay tình huống ra chân nhanh như điện của Quang Hải cân bằng tỷ số 1-1 cho chúng ta ở trận bán kết. Và biết đâu đấy, trận chung kết có thể sẽ được giải quyết bằng 1 pha bóng “lên đồng” của các chân sút áo đỏ.
Thay người và chiến thuật hợp lý
Chắc chắn, ngay cả người khó tính nhất cũng phải tưởng thưởng cho ông thầy người Hàn 10 điểm về tài thay người. Ngoài việc thành công với sơ đồ 3 hậu vệ áp dụng cho U23 Việt Nam, chiến lược gia họ Park còn thể hiện tài thao lược của mình trong việc đọc trận đấu.
Khi dẫn bàn trước đối phương, ông trung thành với lối chơi kéo 2 tiền vệ biên tham gia nhiều hơn vào công tác phòng ngự. Nhưng nếu ở thế phải rượt đuổi tỷ số, ông nhanh chóng chuyển từ 5-3-2 sang sơ đồ 4-3-3. Chính sự thay đổi hợp lý này giúp cho tuyển U23 Việt Nam chủ động trong mọi tình huống, dẫu có là phòng ngự, hay phải tấn công để cân bằng tỷ số.
Thêm vào đó, phải kể đến tài dụng binh không chê vào đâu được của thuyền trưởng xứ kim chi. Những cái tên ông thay vào đều thể hiện rất tốt và vô cùng phù hợp với tình hình trận đấu.
Duy Mạnh bị đau, ông thay Thành Chung vào và trung vệ này cũng khóa chặt những mũi tấn công của Iraq. Khi buộc phải chuyển mình để cân bằng cách biệt, ông cũng khéo léo đưa Hồng Duy vào để tăng cường sức sáng tạo cho hàng công. Và nếu không có tình huống chuyền từ góc trái của tiền vệ HAGL này khiến hậu vệ Qatar xử lý lóng ngóng, Quang Hải đã không thể gỡ hòa 1-1.
Những cá nhân biết tỏa sáng đúng lúc
Đây là điểm mà mọi đội bóng, nếu muốn lên ngôi vô địch đều cầu phải có. Cũng như Teddy Sheringham và Ole Gunnar Solskjaer của MU ở trận chung kết Champions League năm 1999, nếu không có những pha xử lý xuất thần của Văn Đức hay Quang Hải thì có lẽ, U23 Việt Nam đã buộc phải đầu hàng trước số phận.
Ngoài ra, không thể không kể đến những pha đổ người phi thường của Bùi Tiến Dũng. Ra vào hợp lý, bắt bóng chính xác, Bùi Tiến Dũng mang đến sự yên tâm không chỉ cho các đồng đội mà cả ở con tim người hâm mộ.
Khi Quang Hải không thể thành công trong việc hạ gục thủ môn đối phương ở cự ly 11m trong loạt đá luân lưu cân não, Tiến Dũng ngay sau đó đã kịp thời sửa sai cho đồng đội, và chính anh chứ không phải ai khác là người đã từ chối cú đá penalty của Sultan Al Brake để mở toang cánh cửa tới trận chung kết cho U23 Việt Nam.
Tinh thần thi đấu quả cảm và bản lĩnh
Với NHM U23 Việt Nam vào lúc này, thứ đọng lại trong lòng họ bên cạnh những bàn thắng tuyệt đẹp của Quang Hải, Văn Đức, cú đánh đầu đặc sản của Đức Chinh còn là tinh thần, bản lĩnh và ý chí quyết tâm của các cầu thủ.
Dù cho nằm ở thế cửa dưới và chơi trò đuổi bắt điểm số với đối phương, dù cho vấp phải một đối thủ được xếp ở một trình độ hoàn toàn khác biệt, hoặc thậm chí bị trọng tài xử ép, các cầu thủ vẫn giữ được cái đầu lạnh, sự tập trung và một tinh thần thép.
Chả thế mà sau khi bị trọng tài Christian Beath thổi penalty ở một tình huống không rõ ràng, Xuân Mạnh và Duy Mạnh nói với nhau: “Thôi, làm lại từ đầu”. Cả khi bị đối phương dẫn bàn ở phút 87, tinh thần thi đấu máu lửa và sự quyết tâm cao vẫn giúp Quang Hải vẽ nên một đường cong tuyệt đẹp không thể cản phá.
Và chả thế mà Văn Thanh, khi phải đối diện với cú đá 11m lịch sử, trọng trách đối với dân tộc đè nặng lên vai vẫn quyết đoán thực hiện thành công quả phạt đền và ngạo nghễ khoanh tay ăn mừng. Hình ảnh đó là minh chứng rõ nhất, cho tinh thần thi đấu quật cường, quả cảm và khát khao cháy bỏng của các cầu thủ trẻ.
Và còn nhiều nhiều lí do nữa để chứng minh, U23 Việt Nam sẽ là ông vua mới của bóng đá châu lục, như việc chúng ta… đã bị ghi bàn trước, luôn chuẩn bị sẵn tâm lý ở thế đuổi theo đối phương, hay việc HLV Park Hang-seo đã may mắn sở hữu 1 dàn cầu thủ đã được trui rèn qua giải đấu trước đây năm 2016.
Có lẽ là quá sớm để nói về chức vô địch sẽ nằm trong tay của U23 Việt Nam, bởi trái bóng tròn khi chưa lăn thì đều không thể khẳng định chắc chắn điều gì, nhưng mong rằng với một thể lực đã được nâng tầm, với những cá nhân biết tỏa sáng đúng lúc, sai lầm bị gạt bỏ, và đặc biệt là ý chí sắt đá của những cầu thủ mới ngoài đôi mươi. NHM nước nhà có quyền tin rằng câu chuyện cổ tích mang tên U23 Việt Nam sẽ có một cái kết đầy viên mãn.
NHM cả nước đã bắt đầu mở hội, các cầu thủ U23 chỉ cần mang cúp về thôi!
Sau trận đấu, chúng ta sẽ buộc phải xách vali về nước, dù muốn hay không, nhưng mong rằng, hành trang khi ra về của các cầu thủ sẽ nặng hơn, vì trong đó có chứa chức vô địch U23 châu Á.