Tới giờ này sau hai tháng, Alexis Sanchez vẫn là một bản hợp đồng thất bại thảm hại của Man Utd, không chỉ bởi bản thân chính anh mà còn xuất phát từ ông thầy Jose Mourinho bảo thủ và rắc rối không kém của mình.
Yêu ghét Robin Van Persie ra sao, ngay cả fan Arsenal cũng phải miễn cưỡng công nhận mùa giải ra mắt Old Trafford đại thành công của anh. 3 trận đầu tiên trong màu áo Quỷ Đỏ, tiền đạo Hà Lan ghi 4 bàn. 10 trận và con số đã là 8, để rồi mạnh dạn mà nói rằng chưa ai xuyên suốt gần hai thập kỷ kể từ thời Eric Cantona có thể sắm vai đầu tàu lèo lái cả một tập thể đến ngôi vô địch Premier League như vậy.
Thêm nửa thập kỷ nữa trôi đi, Man Utd không còn Van Persie và thay thế bằng Alexis Sanchez, với những điểm tương đồng sâu sắc mà hãn hữu. Như người đàn anh xưa kia, ngôi sao Chile cống hiến những năm tháng đỉnh cao của mình cho Arsenal chỉ để đổi lại nỗi thất vọng và đói khát danh hiệu. Như Van Persie, Sanchez quyết định gia nhập Man Utd ở tuổi 29 sau khi khước từ danh vọng và tiền tài hứa hẹn hơn hẳn ở Man City. Như Van Persie, Sanchez là một giải pháp ngắn hạn hoàn hảo.
Nhưng cũng chỉ thế thôi, ít nhất là tới giờ. Nhìn nhận thẳng thắn, Sanchez gần như là phiên bản lỗi của Van Persie. Cả hai đều đến với một tập thể đầy rẫy khiếm khuyết nhưng trong khi Van Persie hàn gắn các vết nứt thì Sanchez thậm chí xé toạc hẳn ra, trong khi Van Persie là tiêu chuẩn mẫu mực cho tấn công hiệu quả thì Sanchez không thể phí phạm và thừa thãi hơn. Van Persie tựa ánh dương nâng tầm một đội hình trung bình, Sanchez như ngôi sao chổi quét qua và nhấm chìm nó.
Đó, ở Sanchez giờ chỉ còn lại tinh thần chiến đấu nhiệt huyết, năng nổ thường thấy nhưng vô nghĩa của anh, đổi lại hiệu quả kèm theo hay cả sự tự tin gần như là con số không tròn trĩnh, gần như kiểu dáng anh chỉ cố tỏ ra mình là con người bận rộn mà thôi.
10 trận đấu và chương mở đầu sự nghiệp của tiền đạo Chile ở Old Trafford thực sự là một thảm họa, không chỉ đối với cá nhân anh cùng hệ lụy nhãn tiền ở cú sốc nhục nhã mang tên Champions League. Có tân binh mùa đông trong tay, Jose Mourinho vô hình trung rước thêm cơn đau đầu lâu dài dai dẳng về vấn đề chọn lựa nhân sự, khi Sanchez rõ ràng kiềm hãm cơ hội thể hiện của những đồng đội xứng đáng hơn.
Trước những ngày cuối tháng Một vừa rồi, Man Utd sẵn sở hữu Anthony Martial và Marcus Rasford. Cả hai đều là những tài năng trẻ triển vọng với nền tảng tốc độ và kỹ thuật không thể xem nhẹ. Như Sanchez, cả hai đều là những ngòi nổ tấn công bên hành lang biên trái. Vì Sanchez, cả hai đều phải dọn dường lên băng ghế dự bị suốt hai tháng qua và chỉ còn biết chắt chiu sự trọng dụng ít ỏi của Mourinho.
Và rồi như một sự mỉa mai sắp đặt và trớ trêu thay, hai chiến thắng thực sự ấn tượng duy nhất từ đó tới giờ của Man Utd trước Chelsea và Liverpool đều in đậm dấu giầy của Martial và đặc biệt Rashford với cú đúp đẹp mắt ở trận derby nước Anh, trong khi Sanchez đứng đâu đó không phải vị trí sở trường trên đường pitch… và nhạt nhòa. Ngay ở trận đấu gần nhất trong khuôn khổ tứ kết FA Cup, bàn mở tỷ số của Quỷ Đỏ xuất phát từ đúng cánh trái vắng bóng cựu cầu thủ Barcelona, với lần đầu tiên phải ngồi dự bị.
Câu hỏi đặt ra rằng tại sao mối lương duyên được dự báo thành công rực rỡ này giờ chỉ chứng kiến Sanchez và Man Utd cùng kéo nhau xuống vũng bùn. Trước khi sai quá sai như hiện tại, người ta nhận định rằng phong cách độc lập tác chiến điển hình như thời “cân team” Arsenal của tân binh Chile sẽ vừa vặn hoàn hảo với chiến thuật của Mourinho.
Nổi tiếng với triết lý bóng đá thực dụng, ông thầy mới của anh ám ảnh với công tác tổ chức phòng ngự kiên cố và chặt chẽ, đôi phần tiêu cực đến độ gần như không dành thời gian quan tâm đến đầu sân bên kia, chỉ đơn giản đặt niềm tin mù quáng và hoàn toàn phó mặc cả cho những ngôi sao tấn công làm những gì mình sinh ra để làm, triển khai đường vào khung thành đối phương một cách bản năng.
Hậu họa ra sao thì ai cũng đã rõ, với 247 pha mất bóng kể từ ngày cập bến Old Trafford, trong đó 42 lần ở thất bại nhục nhã MU 1-2 Sevilla đủ làm nên kỷ lục oái oăm trong lịch sử Champions League. Không chỉ bởi phong độ sa sút không phanh của mình, Sanchez hiện giờ như một mắt xích lạc lõng, cô lập với sự sáng tạo và đột biến nghèo nàn mỗi khi có bóng trong chân.
Trong khi cái đích tối hậu luôn phải là gắn kết cả 11 cầu thủ nên khối thống nhất đúng nghĩa một đội bóng hay một tập thể, Mourinho lại dường như chia phòng ngự và tấn công ra thành hai thực thể riêng biệt không liên quan đến nhau, thậm chí ưu ái rõ ràng cho mặt trận sở trường phía dưới của mình trong khi kệ các học trò tiền tuyến đâm đầu vào tường.
Với Sanchez, tâm lý lạc quan vội vàng giờ sớm phải nhường chỗ cho sự thật trần trụi và phũ phàng hơn nhiều. Cặp đôi hoàn hảo với Mourinho sau cùng chỉ là ảo mộng che giấu một thất bại chung của cả hai: Một huấn luyện viên muốn cầu thủ tấn công của mình tỏa sáng mà không cần sự trợ giúp xung quanh nào, và một cầu thủ tấn công cũng nghĩ rằng mình đủ khả năng để có thể làm vậy.
Trên thực tế, ngay cả những mẫu trung phong cắm hay các ngôi sao tấn công độc lập tác chiến xuất sắc nhất thế giới về cơ bản cũng không thể đơn thương độc mã giữa rừng hậu vệ đối phương. Luis Suarez từng có Daniel Sturridge và được nâng tầm bởi Leo Messi, thậm chí trước mùa giải này cả Neymar bên cánh đối diện.
Eden Hazard và Sergio Aguero hưởng lợi từ cả hệ thống vận hành trơn tru, trong khi tam tấu hủy diệt của Liverpool cũng phải biết nương vào nhau mà sống. Nói đâu xa ở Man Utd như chính Van Persie thôi, anh tỏa sáng sao được nếu không có Wayne Rooney chấp nhận làm nền. Giờ, Sanchez phần nhiều chỉ là nạn nhân đáng thương của tư tưởng ngày càng bảo thủ của Mourinho mà thôi.
Van Persie chia sẻ rằng “cậu bé trong thâm tâm” đã thuyết phục anh chọn khoác lên mình tấm áo Man Utd. Sanchez hằng khát khao được như tiền bối người Hà Lan nhưng cái anh cần có lẽ không phải “cậu bé” nào hết, thay vào đó là một tâm thế trưởng thành và kiên nhẫn hơn, bất chấp thời gian có không còn nhiều với vỏn vẹn 1-2 mùa giải đỉnh cao còn lại. Tất nhiên rồi, Sanchez sẽ cũng cần thêm cả chút may mắn với hy vọng thay đổi ít nhiều ở ông thầy Mourinho rắc rối không kém của mình nữa.