Luis Enrique đã có công lao to lớn với Barcelona khi đoạt 9 cúp vô địch trong 3 mùa giải dẫn dắt. Tuy nhiên công cũng chỉ vừa đủ bù cho “tội”.
Công trạng đầy ắp
Barcelona như vậy đã kết thúc mùa giải 2016/17 với chức vô địch Cúp nhà Vua. Không phải một mùa giải trắng tay, dù kết thúc của nó là khá thất vọng. HLV Luis Enrique sẽ rời CLB sau khi hết hợp đồng, kết thúc 3 năm dẫn dắt với 3 lần vô địch Cúp nhà Vua, 2 chức vô địch La Liga và 1 Champions League.
Lucho đã là một biểu tượng của Barcelona từ khi còn thi đấu, một trong số ít những cầu thủ phản bội Real để về với Barca và được người Catalunya mến mộ mặc dù ông không phải người địa phương (Enrique là người Asturias). Và fan Barca không quên những gì ông đóng góp, không dễ để đoạt những chức vô địch trên cho dù đội hình Barca có Lionel Messi, Neymar hay Luis Suarez.
Sau khi Pep Guardiola ra đi, Barca đã bước vào một giai đoạn khó khăn trong thành tích. Tito Vilanova chỉ dẫn dắt được một mùa trước khi từ chức và qua đời sau cơn bạo bệnh, trong khi Tata Martino đã trắng tay trong mùa 2013/14 mà hai đội bóng Madrid chiếm giữ 2 chức vô địch trong nước. Phải tới khi Enrique trở lại CLB, Barca mới lại “nở mày nở mặt”.
Và con số không nói dối, mùa giải 2014/15 là một mùa giải đáng nhớ với cú ăn ba lịch sử thứ hai cho CLB sau cú ăn ba đầu tiên do chính Guardiola làm nên. Cũng chính vì thành công vang dội đó mà người ta đã cảm thấy cú đúp La Liga & Cúp nhà Vua của mùa 2015/16 bị hạ thấp giá trị, mặc dù một cú đúp quốc nội là điều rất không dễ để đạt được trong lịch sử bóng đá TBN.
Ngay cả trong mùa giải 2016/17 vừa kết thúc trong sự thất vọng với Cúp nhà Vua là danh hiệu an ủi, Barcelona vẫn có thể tự hào rằng Luis Enrique đã cùng với các cầu thủ đẩy Real Madrid tới vòng 38 mới vô địch La Liga, và đặc biệt là màn ngược dòng ở vòng 1/8 Champions League trước Paris Saint-Germain đã đi vào huyền thoại.
Với 9 chức vô địch đã giành được cho Barca, Luis Enrique là HLV thành công thứ 3 trong lịch sử CLB chỉ sau Pep Guardiola và Johan Cruyff. Đứng sau hai tên tuổi lẫy lừng của làng HLV, đó là điều không quá tệ chút nào cho Lucho.
Cơm thừa canh cặn
Fan Barca có thể ca ngợi Luis Enrique về mặt kết quả, nhưng làm HLV trưởng thì kết quả không phải là thứ duy nhất để đánh giá khả năng làm việc. Enrique không những kém Pep Guardiola và Johan Cruyff về số danh hiệu, mà còn về di sản để lại CLB.
Johan Cruyff đã xây nên nền tảng bóng đá tiki-taka cho Barcelona và Pep Guardiola sau đó kế tục để đưa tới những thành công còn vang dội hơn. Tuy nhiên Barca thời Luis Enrique chứng kiến một sự thui chột bản sắc đáng kể, bóng đá tiki-taka đã được thay bằng một lối chơi đơn giản, trực diện và gần như dựa vào bộ ba tiền đạo để giành chiến thắng.
Enrique đã chọn đưa Barca đi theo một thứ bóng đá mà những pha bóng dài đơn giản trở nên thường xuyên hơn để tấn công các hàng phòng ngự đối phương. Lựa chọn đó không phải không có lý, bởi ở thời điểm Enrique nhậm chức, tiki-taka đã bộc lộ dấu hiệu bị đối phương bắt bài bằng pressing, và bóng dài lên thẳng là cách tốt nhất để chống pressing.
Nhưng sau khi bóng dài giúp Barca đoạt cú ăn ba, hai mùa tiếp theo đối thủ cũng nhanh chóng “đọc vị” và lối chơi trực diện bắt đầu giảm dần hiệu quả. Đi kèm với đó là việc hàng tiền vệ cũ của Barca đã thay đổi, Xavi rời CLB trong khi Iniesta và Busquets già đi. Barca giờ cũng khó có thể trở lại với tiki-taka được nữa.
Một hàng tiền vệ tồi là vấn đề lớn nhất Enrique để lại cho Barca, và nó được hình thành bởi sự phung phí của đội bóng trên thị trường chuyển nhượng cho những bản hợp đồng của Andre Gomes, Arda Turan hay Denis Suarez. Có thể những cầu thủ này sẽ đến lúc tìm ra được phong độ ổn định ở sân Nou Camp, nhưng không phải là dưới thời Enrique.
Những gì Lucho để lại Nou Camp là các chức vô địch, nhưng đi kèm với đó là một lối chơi không rõ ràng, một đội hình không rõ bản sắc, rất nhiều cầu thủ thừa thãi được mua với giá đắt và nhu cầu phải chi nhiều tiền để tái tạo lại đội hình. Enrique có công, nhưng nó cũng chỉ vừa đủ để bù cho tội.