Bức xúc với thể thức “quái gở” của Malaysia, VFF muốn đòi lại công bằng cho U22 Việt Nam

Lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và các cấp có liên quan sẽ kiến nghị về việc chủ nhà Malaysia có đặc quyền chọn bảng đấu ở các môn bóng đá tại SEA Games 29.

Chiều 23/6, lãnh đạo VFF đã đề nghị Tổng cục Thể dục Thể thao, Ủy ban Olympic Việt Nam kiến nghị và đòi lại công bằng cho đội tuyển bóng đá và futsal việt Nam khi thi đấu tại SEA Games 29.

Phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn cũng sẽ có ý kiến chính thức về nguyên tắc bốc thăm môn bóng đá nam, nữ và futsal nam, nữ SEA Games 29 để nhận được phản hồi từ Liên đoàn bóng đá (LĐBĐ) Đông Nam Á và Liên đoàn bóng đá các quốc gia thành viên trong khu vực tại cuộc họp Hội đồng LĐBĐ Đông Nam Á, tổ chức tại Nha Trang vào ngày 1/7 tới.

Theo thông báo mới nhất của BTC SEA Games 29, nguyên tắc bốc thăm và xếp lịch thi đấu môn bóng đá (nam, nữ) và futsal (nam, nữ) sẽ có sự thay đổi so với thông lệ.

Đội chủ nhà Malaysia đã công bố thể thức bốc thăm “quái gở” cho bộ môn bóng đá nam của SEA Games 29

Cụ thể, ở môn bóng đá nam, 2 đội hạt giống số 1 là Thái Lan (HCV SEA Games 28) và Myanmar (HCB SEA Games 28) sẽ được chia vào 2 bảng lần lượt với mã số A1 và B1.

Ngoại trừ chủ nhà Malaysia, 8 đội còn lại sẽ được bốc thăm ngẫu nhiên vào các mã số A2, B2, A3, B3, A4, B4. Do sẽ có 1 bảng 5 đội và bảng còn lại 6 đội (tổng cộng 11 đội tham dự) nên kết thúc lượt bốc thăm thứ 4, chủ nhà Malaysia sẽ được quyền chọn bảng đấu mà không qua bốc thăm.

Nguyên tắc này cũng được áp dụng ở nội dung bóng đá nữ và futsal nam, nữ khi chủ nhà Malaysia được ưu tiên chọn bảng đấu sau khi các đội bốc thăm. Đây là nguyên tắc bốc thăm lần đầu tiên được áp dụng tại SEA Games và không theo thông lệ quốc tế đang được áp dụng tại các giải thi đấu bóng đá.

U23 Việt Nam sẽ gặp khó ở kỳ SEA Games lần này với thể thức trên

Theo thông lệ quốc tế, đội chủ nhà được quyền chọn mã số ưu tiên để thi đấu trận khai mạc, sau đó các đội căn cứ vào thứ hạng được chia vào các cặp để bốc thăm vào các bảng đấu.

Vì vậy, với nguyên tắc bốc thăm do chủ nhà Malaysia đưa ra như trên, LĐBĐVN nhận thấy thiếu sự khách quan và không đảm bảo cân bằng về chuyên môn giữa các bảng đấu.

Trong lịch sử, cả hai lần U23 Việt Nam bị loại từ vòng bảng SEA Games đều diễn ra khi cùng bảng với Malaysia (năm 2001 và 2013). Ở hai lần này, U23 Việt Nam đều gặp Malaysia ở trận quyết định tấm vé đi tiếp và thất bại.

Thành tích của chúng ta khi đối đầu cùng bảng với Malaysia là không tốt

Một thống kê đáng chú ý là trong bốn lần cùng bảng với Thái Lan ở SEA Games 1995, 1999, 2003 và 2009, Việt Nam đều lọt vào chung kết. Tuy nhiên, đội bóng áo đỏ thua trong cả 4 trận đấu quan trọng này, trong đó có 3 lần trước Thái Lan.

Ở SEA Games 28 diễn ra 2 năm trước tại Singapore, U23 Việt Nam bị loại ở bán kết sau trận thua 1-2 trước Myanmar. Ở trận tranh huy chương đồng, HLV Miura và các học trò đánh bại U23 Indonesia với tỷ số 5-0.

Tại SEA Games năm đó, Thái Lan giành huy chương vàng khi thắng Myanmar thuyết phục 3-0 ở trận chung kết.

Bài liên quan