Giá trị thương hiệu thua xa các CLB hàng đầu châu Âu nhưng Guangzhou Evergrande vẫn nằm trong top 5 đội bóng có nền tảng tài chính vững mạnh nhất thế giới, theo Soccerex.
10. Bayern Munich: Không nhận được sự đầu tư lớn mạnh từ một tập đoàn hay cá nhân cụ thể nào nhưng Bayern vẫn sở hữu nền tảng tài chính rất vững mạnh. Hùm Xám luôn được xem là lá cờ đầu của bóng đá Đức ở cả khía cạnh thành công trên sân cỏ cũng như làm kinh tế.
9. Chelsea: Từ một đội bóng thường thường bậc trung tại xứ sở sương mù, Chelsea bỗng chốc hóa thành ông lớn nhờ những khoản đầu tư gây sốc của vị tỷ phú Roman Abramovich từ 2003. Khối tài sản ổn định của ông chủ người Nga giúp The Blues không phải đối mặt với nhiều lo lắng dù đang nợ ngân hàng khoản tiền lên tới 800 triệu bảng.
8. Juventus: Dưới sự lèo lái của gia đình Agnelli suốt nhiều thập kỷ qua, Juventus luôn sống khỏe và liên tiếp gặt hái thành công. Ngay cả cú sốc Calciopoli (2006) cũng không thể làm khó được Juve. “Lão Bà” lúc này đã thực sự trở lại với ngôi vị thống trị bóng đá Italy.
7. Manchester United: Sở hữu lượng fan đông đảo nhất thế giới và luôn nằm trong top đầu CLB kiếm tiền mỗi mùa nhưng Manchester United vẫn chỉ xếp thứ 7 theo đánh giá từ Soccerex bởi khoản nợ ngân hàng lớn. Nếu đội chủ sân Old Trafford thuộc quyền sở hữu của một tỷ phú chịu chơi thay vì nhà Glazer, Quỷ đỏ có lẽ đã sớm nhuộm đỏ trời Âu thay vì lận đận suốt vài mùa giải gần đây.
6. Real Madrid: Không cần đến một vị tỷ phú Ả-rập hay Nga, Real Madrid vẫn đủ sức làm náo loạn thị trường chuyển nhượng bởi những “bom tấn” có mức giá kỷ lục. Danh xưng đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha đã nói lên tất cả.
5. Tottenham Hotspurs: Vị trí thứ 5 trên bảng xếp hạng của Tottenham chắc chắn khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. Tuy nhiên, với việc chuẩn bị đưa vào sử dụng sân vận động mới hiện đại và số tiền mặt tích trữ lớn (nhờ bán cầu thủ và tình hình kinh doanh sáng sủa), Spurs đang dần vươn lên đứng trong hàng ngũ những ông lớn tại Premier League.
4. Guangzhou Evergrande: Guangzhou Evergrande là đại diện duy nhất ngoài châu Âu góp mặt trong top 10. Sự xuất hiện của đội bóng Trung Quốc không mang đến quá nhiều bất ngờ bởi đơn giản CLB này được sở hữu bởi tỷ phú Jack Ma, người giàu thứ 18 thế giới với khối tài sản ước tính hơn 38 tỷ USD.
3. Paris Saint Germain: Chỉ với hai bản hợp đồng trong hè qua, Neymar (222 triệu euro) và Kylian Mbappe (khoảng 180 triệu euro), PSG đã cho thấy tiền không phải vấn đề với các ông chủ Qatar. Dẫu vậy, mức nợ đọng khá cao và giá trị thấp của sân Công viên các Hoàng tử khiến đội bóng thủ đô nước Pháp chỉ được xếp hạng 3.
2. Arsenal: Ít ai ngờ một đội bóng đang lận đận trên sân cỏ, nguy cơ đánh mất những ngôi sao sáng nhất và luôn nổi tiếng với cách tiết kiệm quá mức như Arsenal lại có được vị trí thứ 2. Đổi lại những dấu hiệu tiêu cực trên, The Gunners sở hữu lượng tiền mặt trong ngân hàng, tài sản cố định lớn và khoản nợ chỉ 9 triệu euro (thấp nhất trong số các đội bóng tại Premier League). Vấn đề khiến các fan Pháo thủ đau đầu có lẽ nằm ở những cổ đông giàu có của CLB nhưng ngại chi như Stan Kroenke (6,7 tỷ euro) và Alisher Usmanov (gần 13 tỷ euro).
1. Manchester City: Trái ngược với khoản nợ lớn nhà Glazer mang đến Old trafford khi giành quyền sở hữu Manchester United, giới chủ giàu có đến từ Trung Đông đã thực sự dành tặng cho Manchester City một tấm vé độc đắc. Không chỉ đầu tư mạnh tay nâng cấp đội hình, sân vận động, cơ sở vật chất, tập đoàn Abu Dhabi United Group cũng nhanh chóng xóa mọi khoản nợ trong ngân hàng cho The Citizens. Nhờ túi tiền không đáy, Man Xanh đang dễ dàng thống trị Premier League và trở thành ứng viên số 1 cho danh hiệu Champions League mùa này.