Đã hết thời hạn tiểu ban nhân sự VFF nhận đề cử ứng viên vào Ban chấp hành VFF khóa mới. Đây là cơ hội cuối cùng để các tổ chức thành viên của VFF đề cử nhân sự cho tổ chức lãnh đạo bóng đá Việt Nam trong những năm tới. Và rất bất ngờ khi trên các phương tiện truyền thông lúc này đều đăng tải ở lần bổ sung nhân sự thứ 2 này ông Đoàn Nguyên Đức được ít nhất một đơn vị đề cử vào vị trí Chủ tịch VFF.
Băn khoăn đề cử
Cuộc đua “nóng” nhất ở kỳ Đại hội này là vị trí Chủ tịch VFF và Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính và tài trợ.
Ở cuộc đua vào ghế chủ tịch, trong lần đề cử đầu tiên được VFF chốt danh sách thì có 4 ứng cử viên là ông Nguyễn Quốc Tuấn (phó Chủ tịch VFF khóa VII), ông Lê Quý Phượng, ông Nguyễn Công Khế và ông Cấn Văn Nghĩa.
Trước khi có đợt đề cử thứ 2 bổ sung nhân sự và ban chấp hành VFF thì trong số 4 gương mặt này, đương kim PCT VFF phụ trách chuyên môn Trần Quốc Tuấn được nhiều đơn vị đề cử nhưng phó Chủ tịch phụ trách tài chính hiện tại của VFF, ông Đoàn Nguyên Đức lại đánh giá ông Tuấn làm phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn mới là hợp lý nhất.
Theo đánh giá của bầu Đức thì ông Tuấn “chưa đủ khả năng làm Chủ tịch VFF” nhưng lại có thể thực hiện rất tốt vị trí phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn. Ông Đức cho rằng ngoài ông Tuấn, không ai có thể làm tốt vị trí Phó chủ tịch VFF phụ trách chuyên môn.
Cuộc đua tới chức chủ tịch VFF lúc này càng nóng hơn khi rất bất ngờ trong danh sách giới thiệu bổ xung các ứng viên vào những vị trí lãnh đạo chủ chốt VFF lần thứ 2 này theo tìm hiểu của báo giới đã có đơn vị thành viên đã giới thiệu ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch Tập đoàn HAGL vào chức danh Chủ tịch VFF nhiệm kỳ VIII.
Bầu Đức vốn để lại sự khâm phục cho rất nhiều người từ việc bỏ tiền đầu tư cho bóng đá, hợp tác với Arsenal mở học viện đào tạo trẻ đào tạo ra những Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn… khiến cho đời sống bóng đá Việt Nam trở nên sôi động, cuốn hút hơn.
Thành công về mặt hình ảnh của lứa 1 Học viện HAGL cũng khiến cho công tác đào tạo trẻ ở Việt Nam được chú trọng hơn, thay vì hời hợt như trước.
Hay như mới đây, U23 Việt Nam đã giành vị trí Á quân giải châu Á với nhiều nòng cốt là cầu thủ HAGL trong đội và nhất là việc ông là người mời HLV Park Hang Seo sang Việt Nam làm HLV trưởng. Với cá tính, bản lĩnh, là người có tâm, có tài và có tiềm lực kinh tế, các mối quan hệ tốt cùng những gì đã làm cho bóng đá Việt thì nếu chức vụ chủ tịch VFF đến từ lá phiếu của người hâm mộ thì chắc chắn ông bầu này sẽ thắng cử.
Nhưng điều bất ngờ là lời giới thiệu này đến sau khi những câu chuyện ồn ào nhất của bóng đá Việt Nam trong thời gian qua đến chính từ những phát ngôn thẳng thắn chỉ trích công tác chuẩn bị Đại hội và cùng với đó là chuyện bầu Đức dọa rút HAGL khỏi V-League. Ông là người đầu tiên lên tiếng chỉ trích cách làm việc của VFF trước Đại hội nhiệm kỳ VIII, trong đó có việc để sót tên ông trong danh sách đề cử vị trí Phó chủ tịch phụ trách tài chính. Việc bầu Đức lên tiếng về danh sách đề cử lần 1 là một phần nguyên nhân dẫn đến việc Tiểu ban nhân sự VFF phải gia hạn thêm thời gian đề cử thêm một lần nữa.
Lựa chọn ai?
Việc ông Đoàn Nguyên Đức được giới thiệu tham gia ứng cử chức Chủ tịch VFF khóa 8 có chút bất ngờ nhưng đây là quyền được giới thiệu của các đơn vị thành viên VFF.
Dẫu rằng được sự tín nhiệm, giới thiệu của các đơn vị thành viên nhưng việc bầu Đức tranh cử và thắng cử chức chủ tịch VFF cũng chẳng dễ.
Đầu tiên đến từ việc không ít lần ông bầu này tuyên bố không tham gia BCH khoá mới và ông không muốn mình bị mang tiếng là người nói 2 lời.
Không những thế, nếu tham gia ứng cử thì ông sẽ phải gấp rút hoàn thiện hồ sơ mà khi đó tiêu chí phải có bằng đại học chẳng khác nào đánh đố ông bầu nổi tiếng này.
Cái tiêu chí trước nay chưa từng có liên quan tới tấm bằng đại học đối với những ứng viên vào vị trí lãnh đạo VFF được Tiểu ban nhân sự “nghĩ ra” cũng chẳng khác nào “chơi khó” bầu Đức bởi ai cũng biết bầu Đức làm gì có bằng đại học!
Việc bầu Đức có tên trong danh sách đề cử bổ sung có thể được hiểu rằng ông bầu của CLB HAGL vẫn nhận được sự tín nhiệm từ các CLB.
Tuy nhiên, ông bầu nổi tiếng với những phát ngôn bộc trực vẫn giữ vững quan điểm sẽ không tiếp tục công tác tại VFF nhiệm kỳ mới.
Theo những thông tin mới nhất thì bầu Đức đã trả lời báo chí là ông không muốn tham gia VFF nữa, khi cho rằng tổ chức này có nhiều điều thiếu minh bạch.
Thậm chí, bầu Đức còn chỉ trích cả Tổng cục TDTT khi không nhìn thấy những vấn đề gây nhiều bức xúc của VFF.
Cũng trong lần giới thiệu bổ xung vừa qua, ông Trần Văn Liêng, người được nguyên Tổng giám đốc VPF Cao Văn Chóng giới thiệu ứng cử vào vị trí Phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính khóa 8 cũng có tên.
Bên cạnh đó, còn có đề cử ông Phạm Văn Tuấn – Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT vào chức Phó chủ tịch VFF phụ trách chuyên môn.
Cuộc đua hứa hẹn cũng sẽ “nóng” là vị trí phó Chủ tịch phụ trách tài chính và tài trợ. Vị trí này “nóng” không phải vì có nhiều ứng viên mà bởi trước đó chỉ có duy nhất ông Trần Anh Tú đồng ý ra tranh cử.
Chỉ có 1 ứng viên cho một vị trí và ông Tú trước đó lại đảm trách nhiều vị trí quan trọng khác nữa như Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc VPF kiêm trưởng ban Tổ chức giải đã khiến bầu Đức đăng đàn phản đối quyết liệt. Và lúc này, đã có thêm một ứng viên khác nữa cho vị trí này là ông Trần Văn Liêng – Giám đốc công ty Vinacacao.
Như vậy, vị trí quan trọng này của cấp thượng tầng VFF không chỉ còn một đề cử là ông Trần Anh Tú, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc VPF.
Ở vị trí Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn, ông Phạm Văn Tuấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT được đề cử. 4 đề cử còn lại cho vị trí Ủy viên BCH là ông Nguyễn Tấn Anh (Trưởng đoàn CLB HAGL), ông Dương Văn Hiền (Trưởng bộ môn Giáo dục thể chất trường ĐHKHXH&NV), ông Trần Đình Huấn (Giám đốc Trung tâm thể thao Thống nhất) và ông Nguyễn Húp (GĐĐH CLB Quảng Nam).
Còn tại cuộc đua vào vị trí Phó Chủ tịch truyền thông và đối ngoại, ứng viên có văn bản khẳng định không ứng cứ vào chức danh Phó chủ tịch phụ trách truyền thông là ông Lê Thành Trung – Phó tổng giám đốc Ngân hàng HDBank nên sẽ còn 4 cái tên gồm ông Nguyễn Xuân Gụ – đương kim Phó Chủ tịch VFF, cựu Phó Chủ tịch VFF Nguyễn Lân Trung, cựu Tổng Giám đốc VPF Cao Văn Chóng và Tổng Biên tập báo Bóng đá Nguyễn Văn Phú.