MU thường bế tắc và thiếu sáng tạo ở những trận đấu lớn, nhưng tại sao Mourinho lại không chịu sử dụng Juan Mata, mà chỉ để tiền vệ này ra sân trước các đối thủ yếu?
Nhớ lại vào đầu tháng 10, Juan Mata đã rất háo hức trước chuyến làm khách tại Liverpool. Anh nói rằng sự nóng bỏng có thể cảm nhận ngay tại căng tin ở Carrington, khi đầu bếp Mike hét lên với đám cầu thủ: “Đánh bại chúng! Đánh bại chúng”.
Mata cũng tự tin anh sẽ là một phần của trận đấu bởi 7 trận Premier League trước đó, tiền vệ 29 tuổi đều ra sân (8 trận đá chính), ghi 1 bàn và tạo ra 12 cơ hội. Vì đây là “một đêm rất đặc biệt”, anh tuyên bố sẽ giúp MU giành chiến thắng.
Rồi trận đấu với Liverpool cũng diễn ra. Quỷ đỏ kiếm được 1 điểm nhờ chiến thuật phòng thủ đặc trưng của Jose Mourinho, còn Mata ngồi ngoài suốt 90 phút. Giải thích cho việc này, HLV người Bồ nói rằng băng ghế dự bị của ông không có “cầu thủ nào có thể tạo nên sự khác biệt”.
Thật ngạc nhiên, thời điểm đó Mata đã tích lũy 43 đường chuyền thành bàn tại Premier League, là cầu thủ kiến tạo tốt thứ 3 giải đấu kể từ năm 2010 (chỉ sau David Silva và Wayne Rooney) lại không thể mang đến sự khác biệt sao?
Cảm giác ngồi ngoài ở trận đấu lớn dĩ nhiên không hề dễ chịu, song Mata phải làm quen với điều đó, bởi sau hôm ấy, anh tiếp tục bị gạt ra khỏi kế hoạch A của Mourinho ở 4 trận khác gặp nhóm Big Six. Tiền vệ người Tây Ban Nha không chơi một phút nào trước Chelsea, Tottenham, Arsenal và trận derby Manchester mới đây chỉ góp mặt 8 phút cuối.
Tại sao Mourinho không thích sử dụng Mata trong những dịp trọng đại, bất chấp tình trạng mất phong độ trầm trọng của Henrikh Mkhitaryan và không có Paul Pogba để cung cấp sự sáng tạo? Phải chăng Mata không phải cầu thủ có thể tỏa sáng ở những trận đấu lớn (như Lukaku)?
Không hề. 45 trận ra sân đối đầu với nhóm Big Six kể từ khi tới Anh, tiền vệ 29 tuổi nổ súng 13 lần cùng 10 pha kiến tạo, bình quân 153 phút lại tham gia vào một pha lập công. Thành tích này tốt hơn bất kỳ ai khác, kể cả De Bruyne, David Silva hay Eden Hazard.
Chỉ có thể giải thích điều này bằng vấn đề chiến thuật. Trước những đối thủ lớn, Mourinho chủ trương phòng ngự triệt để và yêu cầu các cầu thủ tấn công hỗ trợ đắc lực cho tuyến dưới. Bên cạnh đó, họ cũng phải có tốc độ để tạo nên những đợt phản công chớp nhoáng ngay khi có cơ hội. Như ở trận đấu với Man City, Mou đã xếp 3 cầu thủ nhanh nhất của mình là Anthony Martial, Marcus Rashford và Jesse Lingard phía sau Romelu Lukaku.
Ngoài ra HLV người Bồ cũng rất ít khi sử dụng Mata ở vị trí “số 10” sở trường, chỉ 1 mùa này và 6 lần mùa trước. Anh chủ yếu đá cánh phải. Vốn không mạnh trong phòng thủ lại thường xuyên di chuyển vào trung lộ, Antonio Valencia trở nên đơn độc trước các mũi khoan phá bên phía đối phương. Đối mặt với phe đối lập mạnh mẽ, đây thực sự là tử huyệt.
Vậy nên bỏ qua việc Mata là chân sút tốt thứ 4 mùa trước với 10 bàn thắng (cùng 6 kiến tạo), Mourinho vẫn nhất quyết gạt anh ra ngoài và chỉ trưng dụng khi gặp các đối thủ yếu. Một sự lãng phí khủng khiếp.
Trước Bournemouth đêm thứ tư, Mata là cầu thủ chuyền bóng nhiều thứ 2 trên sân (82) với độ chính xác gần như tuyệt đối (90,9%), đồng thời cung cấp nhiều cơ hội nhất (3), bao gồm đường chuyền như đặt để Lukaku ghi bàn duy nhất. Anh hoàn toàn có khả năng tạo ra những màn trình diễn tương tự, thậm chí hơn, trước các đối thủ thuộc nhóm Big Six nếu Mou chấp nhận mạo hiểm và triển khai chiến thuật tích cực hơn.
Nhưng viễn cảnh đó sẽ không xảy ra. Và dù rất khao khát được cống hiến cho đội bóng, chỗ của Mata vẫn là băng ghế dự bị.