Trước thềm lễ bế mạc SEA Games 29, báo giới Đông Nam Á, gồm cả các trang tin Malaysia đều lên tiếng “than thở” về một kì đại hội đầy những lùm xùm trong lẫn ngoài chuyên môn.
Sau 11 ngày thi đấu chính thức, SEA Games 29 sẽ khép lại bằng lễ bế mạc vào tối nay (30/8). Hiện tại, chủ nhà Malaysia chắc chắn củng cố vị trí số 1 trên bảng tổng sắp với thành tích 140 HCV, 90 HCB, và 84 HCĐ, bỏ xa đoàn về nhì là Thái Lan (70 HCV, 86 HCB, 87 HCĐ). Đoàn thể thao Việt Nam, do đã “khóa sổ” các môn thi đấu từ ngày 29/8 nên chính thức cán mốc 58 HCV, 50 HCB, 59 HCĐ.
Thế nhưng, thay vì đưa tin về lễ bế mạc hay dành lời ca ngợi cho thành tích đột phá mà Malaysia đạt được, báo giới Đông Nam Á lại mổ xẻ những vấn đề tiêu cực tồn tại ở kì đại hội vừa qua. Đó là câu chuyện không mới qua mỗi kỳ Sea Games, khi nước chủ nhà tìm đủ mọi cách để vơ vét HCV như sử dụng chiêu trò khiến đối phương gặp khó trong quá trình chuẩn bị, vấn nạn trọng tài xử ép, bạo lực CĐV… Đến SEA Games 29, những scandal trong lẫn ngoài chuyên môn lại xuất hiện với tần suất dày đặc.
Free Malaysia Today – một tờ báo Malaysia có bài viết khá dài với tựa đề “Malaysia đã mất cơ hội gây ấn tượng tốt đẹp” để chỉ trích trong công tác tổ chức SEA Games của nước nhà:
“Đăng cai SEA Games 2017 là cơ hội vàng để Malaysia thể hiện sự hiếu khách và quảng bá các giá trị văn hóa. Tuy nhiên, cơ hội đó đã bị nghiền nát bởi những hành vi đáng xấu hổ. Người Indonesia sẽ nói gì khi nhìn thấy quốc kì của họ bị treo ngược?”, trích đoạn bài viết, “Gần đây, một video ghi lại khoảnh khắc nhóm Ultras Malaysia sử dụng lời lẽ khó nghe nhục mạ CĐV Singapore ở trận đấu giữa hai đội (Malaysia thắng 2-1) càng khiến hình ảnh người Malaysia xấu đi”.
Trong khi đó, tờ The Nation (Thái Lan) thẳng thắn chê bai SEA Games 29 là kì đại hội “dậm chân tại chỗ” vì căn bệnh thành tích. Cũng như các nước chủ nhà trong quá khứ, Malaysia đưa vào thi đấu môn thế mạnh để giành huy chương, thay vì hướng tới những môn Olympic.
“Các môn thể thao đặc thù luôn là đề tài gây tranh cãi tại SEA Games. Người ủng hộ cho rằng chúng phát huy bản sắc văn hóa và giá trị truyền thống, người phản đối lại cho rằng đó là sự lạm dụng niềm tự hào quốc gia để lấy thành tích. Nói cách khác, các môn thể thao này đã bộc lộ căn bệnh cố hữu của nền thể thao Đông Nam Á, đó là thái độ coi trọng giải đấu thuộc phạm vi khu vực hơn là hướng tới Olympic”.
Tờ Rappler (Philippines): “SEA Games vẫn tràn ngập tiêu cực một khi các quốc gia còn ưu tiên thành tích hơn sự phát triển thể thao đích thực. Điên, đó là vấn đề mà cả Đông Nam Á phải quan tâm trong tương lai gần”.