HLV Ong Kim Swee của U22 Malaysia cho biết khát khao cùng đội nhà đoạt HCV môn bóng đá nam. Ông nhấn mạnh đây là thử thách lớn nhất trong sự nghiệp của mình.
Đây thật sự là điều nực cười nếu biết rằng bóng đá Malaysia đã vô địch SEA Games năm 2011 cũng dưới sự dẫn dắt của Ong Kim Swee. Sau 6 năm, thay vì nghĩ đến mục tiêu vươn tầm châu lục, họ lại muốn làm vua ở “ao làng”.
Và đáng buồn hơn, Liên đoàn bóng đá nước này (FAM) cũng như ban tổ chức SEA Games 2017 muốn tạo lợi thế bằng trò “bẩn”.
Thông tin từ VFF cho biết phía Malaysia dự định ra điều lệ cho phép nước này được tự ý chọn bảng đấu sau khi mỗi bảng đã chốt 4 cái tên. Thái Lan và Myanmar là 2 đội hạt giống nên chắc chắn sẽ khác bảng nhau, dựa vào 3 cái tên khác được phân bổ ra mỗi bảng, Malaysia có thể tùy vào đó để chọn bảng nhẹ nhàng hơn.
“Tôi đã giành chiến thắng vào năm 2011 nhưng đã thất bại ở hai lần giải sau đó. Tất nhiên, trên sân nhà, tôi muốn cùng đội nhà đoạt HCV trở lại. Đó là thành tích không chỉ cho bản thân tôi mà còn cho đất nước.
Tôi đã đối mặt với nhiều thử thách trước đây khi dẫn dắt ĐTQG, U23 nhưng việc giành HCV ở SEA Games sắp tới là khó khăn lớn nhất”, HLV Ong Kim Swee cho biết trên Four Four Two (phiên bản Malaysia).
Chiến lược gia sinh năm 1970 dẫn dắt U23 Malaysia vô địch SEA Games 2011. Sau đó 2 năm, đội thua Indonesia ở bán kết. Đến năm 2015, Ong Kim Swee tự tin đến Singaore để chinh phục HCV. Tuy nhiên, ông và học trò đã bị loại ngay sau vòng bảng. Đáng chú ý khi đó, U23 Việt Nam của HLV Miura đã thắng đậm Malaysia đến 5-1.
Việc Malaysia tạo lợi thế bằng trò bẩn là điều vốn không xa lạ ở đấu trường SEA Games. Theo quy định nước chủ nhà có quyền cắt bỏ một số môn, nội dung thi đấu hay đưa ra điều lệ. Những nước khác có thể có ý kiến nhưng hầu như không thay đổi được gì.
Tại sao Malaysia muốn vô địch SEA Games bằng mọi giá?
Kể từ sau ngôi á quân AFF Cup 2014, bóng đá cấp đội tuyển của Malaysia xuống giá nghiêm trọng. ĐTQG nước này sớm chia tay sau vòng bảng ở AFF Cup 2016, đồng thời thảm bại ở vòng loại World Cup 2018. Dưới thời của HLV Dollar Salleh và Ong Kim Swee, Malaysia nhận những trận thua muối mặt như 0-10 Saudi Arabia, 0-6 trước Oman…
FAM liên tục bị chỉ trích từ người hâm mộ lẫn các quan chức xung quanh việc hoạt động thiếu hiệu quả, tham nhũng… Điều đó tất yếu dẫn đến những thay đổi khi Tunkun Ismail Sultan Ibrahim lên làm chủ tich FAM hồi tháng Ba vừa qua.
Người đàn ông quyền lực này cũng chính là ông chủ CLB Johor Darul Ta’zim. Nhờ những khoản đầu tư lớn, Johor trở thành đội bóng Malaysia đầu tiên vô địch AFC Cup vào năm 2015.
Tham vọng của Tunkun rất lớn, đặc biệt khi lên đứng đầu LĐBĐ quốc gia. Ông nhanh chóng bổ nhiệm chiến lược gia danh tiếng người Bồ Đào Nha Nelo Vingada dẫn dắt ĐTQG, còn Ong Kim Sweet thay Frank Bernhardt dẫn dắt đội U22.
Khả năng, đội lớn của Vingada đạt được bước tiến lớn trong thời gian ngắn là rất khó nhưng U22 Malaysia thì có thể. Cơ sở để đặt niềm tin là Ong Kim Swee đã quá quen với nhiệm vụ này đồng thời được tạo điều kiện hơn hẳn so với người tiền nhiện Frank Bernhardt.
SEA Games là danh hiệu khả dĩ nhất để làm lặng đi những sự chỉ trích, khiến người hâm mộ có niềm tin vào triều đại mới của Tunkun.
Chiến lược gia 47 tuổi cùng học trò vừa có 1 chuyến tập huấn và thi đấu dài ngày tại Trung Quốc. Họ thua U22 Trung Quốc 0-1 nhưng sau đó hòa đội dự bị Guangzhou R&F 2-2 cũng như đánh bại đội dự bị của Guangzhou Evergrande 3-0.
So với khi thua U22 Việt Nam 0-3 trên sân Thống Nhất vào tháng Hai năm nay, U22 Malaysia đã lột xác thật sự. Trước khi SEA Games diễn ra, thầy trò Ong Kim Swee còn được thử lửa thông qua vòng loại U23 châu Á, nơi họ nằm cùng bảng đấu với Thái Lan, Indonesia và Mông Cổ.
Một mặt, Malaysia củng cố về chuyên môn bằng những trận đấu tập huấn. Mặt khác, họ tự lên kế hoạch đầy thiên vị cho mình để tăng cơ hội đoạt HCV ở SEA Games.
Nói gì thì nói, chỉ có đội yếu, thiếu tự tin mới tự cho mình cái quyền được chọn bảng đấu. Nếu tin vào bản thân mình, FAM lẫn BTC SEA Games đã chẳng ra điều lệ oái ăm.