Quang Hải thực sự là người hùng của ĐT U23 Việt Nam sau 2 trận đấu mở màn ở VCK U23 châu Á. Nhưng công bằng mà nói thì chúng ta không thể nào không ghi công cho những hy sinh thầm lặng từ các cầu thủ khác ở tuyến trên. Điển hình nhất là kẻ vẫn thường bị fan hâm mộ ném đá vì lối chơi cá nhân là Nguyễn Công Phượng.
4 bàn thắng ở vòng loại (trong đó có siêu phẩm vào lưới U23 Hàn Quốc sau pha solo qua 3 cầu thủ) của tiền đạo xứ Nghệ đã góp công lớn đưa U23 Việt Nam giành vé tham dự VCK U23 châu Á 2018. Đến với Trung Quốc, Nguyễn Công Phương vẫn là cái tên sáng giá nhất để giới mộ điệu gửi gắm niềm tin, kỳ vọng lớn sẽ giúp U23 Việt Nam thi đấu thăng hoa và tạo nên điều kỳ tích ở bảng đấu “tử thần”.
Nhìn mặt bằng chung, VCK châu Á là giải đấu vô cùng khắc nghiệt với các đội bóng Đông Nam Á, trong có Việt Nam. “Biết mình biết ta” HLV Park Hang-seo từ bỏ lối chơi sở trường 3-4-3 để áp dụng chiến thuật phòng ngự hai tầng 5-4-1 cho U23 Việt Nam trước các đối thủ mạnh U23 Hàn Quốc và U23 Australia. Điều này khiến Công Phượng gần như không có nhiều vệ tinh xung quanh hỗ trợ tấn công.
Ngoài ra, việc Mr.Park sử dụng Đức Chinh làm “chim mồi” đã đẩy Công Phượng ra cánh phải vốn không thân thuộc. Từ người chơi gần như cao nhất trong đội hình, Phượng Diamond chấp nhận thi đấu như tiền vệ biên. Không những thế, cầu thủ HAGL được BHL yêu cầu thường xuyên lùi sâu phần sân nhà để hỗ trợ phòng ngự, hay theo bóng ở phần sân đối phương nhằm giải tỏa áp lực cho hàng thủ.
Một nhiệm vụ rất xa lạ của tiền đạo cắm, đặc biệt với người luôn biết cách “xoay chuyển cục diện” như Công Phượng. Vừa hỗ trợ phòng ngự, bên cạnh phải tham gia mặt trận tấn công trước các đối thủ cao to và mạnh về thử lực, cầu thủ trẻ xuất sắc nhất Việt Nam 2015 bị “vắt kiệt sức” và được chiến lược gia Hàn Quốc thay ra giữa hiệp 2 với “mặt mày tái mét”. Rõ ràng với lối chơi và những khó khăn như vậy, muốn đòi hỏi cao Công Phượng tạo nên đột biến e rằng quá khó!
Những ngày qua, đặc biệt sau chiến thắng lịch sử trước U23 Australia, người ta đã nhắc nhiều đến tài “điều binh” của HLV Park Hang-seo, khen nhiều đến sự lăn xả của thủ môn Tiến Dũng, ca tụng sự chắc chắn và tính kỷ luật của hàng thủ, tôn vinh không ngớt Nguyễn Quang Hải với 2 bàn thắng để đời vào lưới U23 Hàn Quốc và U23 Australia,… Tất cả hoàn toàn xứng với hàng loạt từ ngữ mỹ miều ấy.
Nhưng bóng đá là môn thể thao tập thể! Những con người được khen ấy phải dành lời cảm ơn đến các vị trí thi đấu âm thầm và cần cù như “chú ong thợ”, điển hình như tiền đạo Công Phượng. Hãy nói lời động viên thay vì tiêu cực khi thấy Phượng “mất tích” hoặc chơi không đúng phong độ.