Để tóm tắt hành trình bảo vệ tấm huy chương vàng SEA Games 29 của Thái Lan, tất cả được mô tả trong ba yếu tố: Thái Lan, vận may và “phong cách Hy Lạp”
Một đội bóng tài giỏi mấy vẫn cần may mắn để trở thành nhà vô địch. Buổi tối cuối tháng 8 chứng kiến U22 Thái Lan đi theo quy luật ấy để giành tấm huy chương vàng. Suốt 90 phút trên sân Shah Alam, không cầu thủ Thái Lan nào ghi được bàn, may thay vì đội chủ nhà làm thay họ điều đó.
Bóng đá đôi khi rất khó hiểu. U22 Malaysia chơi không tồi, có nhiều hơn 2 tình huống dứt điểm trúng đích và kiểm soát bóng hơn 60%. Song, họ lại thất bại chỉ vì một tình huống theo dân trong nghề hết sức lãng xẹt. Và thật trùng hợp khi bàn thua đó diễn ra khi U22 Malaysia gặp Thái Lan.
Dường như tâm lý mỗi lần đụng độ người Thái đã biến mọi đối thủ dù ương ngạnh mấy cũng trở nên ngoan ngoãn. Rồi đây, bóng đá Thái Lan sẽ càng có thêm cơ sở để tự phong cho mình quyền uy khiến mọi đối thủ phải run rẩy và tự bắn vào chân mình khi đụng độ họ.
Sau thủ thành U22 Indonesia đến Minh Long và hôm nay có thêm Haziq Bin Nadzli, tất cả đều phạm sai lầm để “biếu” cho người Thái những bàn thắng. Đâu đó nói nhà vô địch SEA Games ăn may, nhưng trên hết cả ba người gác đền kể trên đều không giữ được tâm lý thép trước đối thủ,
Vòng bảng, Phí Minh Long mắc lỗi kỹ thuật và thiếu hợp lý trong ra vào khiến U22 Việt Nam nhận hai bàn thua. Trận chung kết, thủ môn Haziq Bin Nadzli tự “đốt lưới nhà”, khoảnh khắc sẽ khiến anh phải dằn vặt rất nhiều. Chỉ một sai lầm, Nadzli ném đi tấm HCV khỏi tay chủ nhà.
Tại SEA Games 29, Thái Lan chơi không hay như mọi năm. Lối chơi cũng không làm say đắm người hâm mộ. Họ thi đấu rất chật vật trước nhiều đối thủ yếu, thậm chí Timor Leste. Ngay cả HLV Worrawoot Srimaka theo dõi trận đấu cũng “nóng mặt”, sau đó mô tả chiến thắng của đội là “nỗi hổ thẹn”.
Nhưng sau tất cả, người Thái vẫn đứng trên bục cao nhất của Đông Nam Á, ngay cả khi bước vào giải đấu với rất nhiều sự hoài nghi vì lực lượng thiếu hụt ngôi sao. U22 Thái Lan thật sự khiến người hâm mộ đi từ bất ngờ này đến sự ngạc nhiên khác. Càng chơi, họ lại cho thấy sự hiệu quả tuyệt đối.
U22 Thái Lan không cần thứ bóng đá đẹp, điều cả đội hướng tới là chiến thắng. Trước Malaysia, các học trò của HLV Srimaka đánh bại đối thủ không chỉ nhờ may mắn, họ chơi thứ bóng đá phòng ngự chặt chẽ, có tính kỷ luật cao trong hầu hết trận đấu ở giải này. Những con số không biết nói dối.
Trải qua 7 trận đấu, U22 Thái Lan chỉ thua 1 bàn. Như Sir Alex từng nói: “Hàng công mạnh mang đến những bàn thắng. Hàng thủ kiên cố giúp đội bóng thu về danh hiệu”. U22 Thái Lan vô địch SEA Games 29 như vậy. Thứ bóng đá của họ làm gợi lại hình ảnh Hy Lạp năm 2004 và Bồ Đào Nha tại Euro 2016.
Ở chung kết, U22 Thái Lan vượt qua Malaysia nhờ thiết lập hệ thống phòng ngự nhiều tầng, các vị trí lùi hết về sân nhà khi không có bóng, duy trì sự tập trung cao độ, theo người cực sát, hạn chế tối đa khoảng trống trên sân. Trước U22 Việt Nam, người Thái cũng dùng chiến thuật này.
Vị nhạc trưởng đứng sau thành công của U22 Thái Lan không ai khác ngoài HLV Worrawoot Srimaka. Ông đã biến một tập thể từ không có ngôi sao, nhà tổ chức nào thành ra một đội bóng có sự dàn trải đồng đều cả ba tuyến, và càng đá càng tốt lên. Đây là mặt tích cực trong sự chuẩn bị ngắn.
Chiến thuật của cựu tiền đạo Thái Lan rất rõ ràng. Khi bạn không thể có trong tay những cá nhân kiệt xuất, hãy tự tạo ra cho mình một đội bóng phòng ngự tốt và chờ thời cơ từ sai lầm đối thủ. Một kiểu bóng đá rất thực dụng, nhưng vô cùng hiệu quả và rất phù hợp cho những giải đấu như SEA Games.