Mỹ đang cho thấy sức hút lớn với các câu lạc bộ hàng đầu tại Châu Âu trong mùa du đấu hè 2017, trong khi đó, thị trường “tỷ dân” như Trung Quốc không khiến các ông lớn mặn mà để mắt tới.
Tấm vé vào cửa xem trận El Clasico tại Miami bị đẩy lên 1.000 đô la Mỹ nhưng vẫn “cháy hàng”. Đó chỉ là một trong vô vàn lý do các đội bóng lớn tại châu Âu chọn Hoa Kỳ làm điểm dừng chân trong mùa hè thay vì Trung Quốc.
Giải giao hữu thường niên ICC năm nay được tổ chức tại ba quốc gia là Hoa Kỳ, Singapore và Trung Quốc. Trong số này, Hoa Kỳ được đánh giá là nơi quy tụ nhiều CLB có tên tuổi, tiềm lực nhất như PSG, Juventus, AS Roma, Barcelona, Real Madrid, Man City, Man Utd và Tottenham. Bản ICC 2017 Singapore chứng kiến sự góp mặt của Bayern Munich, Chelsea và Inter Milan.
Bản ICC 2017 tại Trung Quốc bị đánh giá ít thu hút các đội bóng lớn tại châu Âu nhất gồm Bayern Munich, Dortmund, Inter, AC Milan, Lyon và Arsenal. Trong số này, Inter và AC Milan thuộc về tay những ông chủ người Trung Quốc nên việc họ tới đây thi đấu là bình thường. Bundesliga đang cố gắng mở rộng tầm ảnh hưởng đến thị trường châu Á nên mới có chuyện Dortmund và Bayern Munich đến đây. Arsenal cũng vì lý do tương tự trong khi Lyon giờ không được coi là một tên tuổi lớn.
Tại sao là nước Mỹ?
Vài năm trở lại đây, sự trỗi dậy mạnh mẽ về kinh tế giúp Trung Quốc trở thành thị trường giàu tiềm năng của các đội bóng châu Âu xâm nhập. Nhưng rồi vì nhiều nguyên nhân, các đội bóng lớn ở châu Âu dần không còn mặt mà với quốc gia đông dân nhất thế giới nữa. Thay vào đó, Mỹ lại trở thành điểm đến hàng đầu.
Mục đích cốt lõi đầu tiên của các CLB khi du đấu hè là vấn đề kinh tế. Ban đầu, Trung Quốc trở thành điểm đến hấp dẫn vì nền kinh tế đang phát triển nóng nhưng sau một vài năm, các CLB lớn đều cảm thấy về mặt kiếm tiền, điểm đến Hoa Kỳ cũng chẳng thua kém.
Ngoài tiền được nhận từ các nước chủ nhà để đến đây thi đấu, các CLB còn hy vọng kiếm được tiền từ việc mở các cửa hàng bán áo đấu, đồ lưu niệm,… tại quốc gia điểm đến. Nhưng ở Trung Quốc, rất nhiều người dân vẫn còn chuộng hàng “nhái” hơn là bỏ một khoản tiền tương đối nhiều để mua hàng “xịn” từ các cửa hàng đại diện của câu lạc bộ. So về mặt này, rõ ràng Mỹ là điểm đến tiềm năng hơn khi người dân nơi đây quan niệm rằng họ sẵn sàng bỏ nhiều tiền ra để mua sản phẩm, miễn là thứ đó thực sự tốt.
Vikrom Ahuja, một cổ động viên Mỹ phải chi ra 500 đô la để sở hữu tấm vé xem trận giao hữu giữa Man Utd và Barcelona tại ICC 2017 không hề tỏ ra tiếc rẻ: “Đây là cơ hội lớn trong đời bởi không phải lúc nào bạn cũng có thể xem những trận đấu như thế này ở Mỹ. Tôi không cổ vũ những đội bóng địa phương bởi cái cách họ đá không hề cuốn hút, nó chẳng khiến tôi phải bật lên khỏi ghế sau những tình huống như thế này“.
Tấm vé chợ đen trận El Clasico giữa Real Madrid và Barca trong khuôn khổ ICC 2017 bị đẩy lên đến mức 1.000 đô la nhưng vẫn cháy hàng. Sân “Hark Rock” tại Miami chật kín dù sức chứa lên đến 65.000 chỗ ngồi. Hè năm nay, ICC 2017 chứng kiến đến hai kỷ lục về số khán giả đến sân được thiết lập. Trận đấu giữa Barca với Juventus chứng kiến hơn 82.000 người góp mặt trong khi cuộc đối đầu giữa Man City với Real Madrid tại Los Angeles chứng kiến hơn 93.000 khán giả đến sân dù mức vé không hề rẻ.
“Tôi phải trả 200 đô la cho những khoản phí mà nếu ở Washington chỉ là 30 đến 40 đô. Nhưng đáng giá. Các trận đấu rất thú vị, có nhiều ngôi sao và trình độ cao hơn hẳn MLS” – Eric Wesner, một trong 82.000 cổ động viên có mặt trên khán đài sân MetLife chứng kiến cuộc đối đầu giữa Juventus với Barcelona cho biết. Wesner phải lái xe hai tiếng từ Washington đến New Jersey nhưng cảm thấy mọi thứ đều đáng giá.
Ngoài sự chịu chơi của người dân Mỹ, các CLB cũng mong muốn khuếch trương thương hiệu ở đây. Tại Hoa Kỳ, bóng đá vẫn không được coi trọng khi xếp sau bóng rổ, bóng chày, bóng bầu dục và cả một số môn võ tự do. Vì vậy, tiềm năng của thị trường nơi đây lớn không kém gì Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh người dân Mỹ dần thích thú với bóng đá hơn.
Laurent Dubois từ Đại học Bắc Carolina nhận xét trên AFP về việc làn sóng các CĐV Mỹ đổ đến sân bóng đá nhiều hơn trên AFP: “Bóng đá ở đây bị xếp sau trong thứ tự ưu tiên của giới truyền thông so với bóng bầu dục, bóng chày hay bóng rổ nhưng tôi nghĩ có lẽ nhiều người Mỹ chơi bóng hơn so với các môn khác. Cần thêm thời gian để phát triển sự hứng thú với bóng đá khi người Mỹ thích xem các câu lạc bộ nước ngoài như Chelsea hay Barcelona hơn là gắn bó với một đội bóng địa phương tại MLS. Nhưng văn hóa cổ động của các nhóm fan địa phương sẽ phát triển dần lên“.
Còn một nguyên nhân đặc biệt quan trọng khác khiến các đội bóng hàng đầu châu Âu bỏ qua Trung Quốc để chọn Mỹ làm nơi chuẩn bị trước mùa giải, đó là nền tảng cơ sở vật chất cùng công tác tổ chức. Hè năm ngoái, Jose Mourinho từng chê thậm tệ công tác tổ chức của Trung Quốc khi phải ra họp báo ngoài trời bởi căn phòng ban tổ chức bố trí “quá chật và nóng”. Mặt sân bị mô tả là “không đủ điều kiện để thi đấu chuyên nghiệp”.
Năm nay, HLV Jurgen Klopp liên tục phàn nàn vì chuyến du đấu tại Hong Kong trong khuôn khổ Premier League Asia Trophy 2017 cùng Leicester, West Brom và Crystal Palace. Klopp tuyên bố thẳng thừng rằng “tôi lo lắng cho các cầu thủ” khi phải tập luyện trên mặt sân xấu, mặt cỏ đôi chỗ úa vàng vì nóng. Tiền vệ Riyad Mahrez liên tục phải lấy điện thoại ra đo nhiệt độ khi cái nóng của Hong Kong có lúc lên đến hơn 40 độ C.
Sau một mùa giải vất vả, chuyến du đấu hè là dịp để các cầu thủ chạy đà chuẩn bị cho mùa giải mới. Thế nên điều quan trọng với các chiến lược gia là cầu thủ có được điều kiện tập luyện tốt nhất, ra sân trên mặt cỏ tốt để tránh những chấn thương đáng tiếc có thể xảy ra. Ở Mỹ nơi cơ sở vật chất cho thể thao được đầu tư kỹ lưỡng, mọi yêu cầu sẽ được đáp ứng nhưng ở Trung Quốc thì không.
Đó chỉ là một vài trong vô vàn lý do khác khiến Trung Quốc “mất khách” trong khi Hoa Kỳ vẫn là điểm đến hàng đầu của các câu lạc bộ giàu tiềm lực tại châu Âu.