Mùa trước, ‘nhờ’ Leicester sa thải Claudio Ranieri giữa chừng mà quê hương bóng đá chợt có chút niềm an ủi… từ trên trời rơi xuống: nhân vật ít tên tuổi Craig Shakespeare bỗng trở thành HLV người Anh thứ 6 được cầm quân ở trận địa danh giá Champions League.
Tất nhiên, Leicester không thể tiến xa ở đấu trường này. Vậy nên, sự hiện diện của Shakespeare ở Champions League chỉ có ý nghĩa về mặt số liệu thuần túy. Không có chút ảnh hưởng chuyên môn nào.
Trước Shakespeare là Gary Neville. Chẳng hiểu vì sao CLB Valencia của Tây Ban Nha lại nổi hứng mời Neville huấn luyện hồi năm 2015. Thành công mới là chuyện lạ! Neville bị đuổi chỉ sau 3 tháng cầm quân. Dù sao đi nữa, nhờ quyết định “điên rồ” của Valencia mà nước Anh khi ấy… lại có thêm một HLV được vinh dự xuất hiện ở Champions League. Đúng 1 trận!
Bobby Robson, Ray Harford, Harry Redknapp và Stuart Baxter là những HLV hiếm hoi khác trên quê hương bóng đá từng được biết thế nào là Champions League.
Đáng lẽ có thể kể thêm Steve McClaren. Nhưng hồi dẫn dắt đội bóng Hà Lan Twente Enschede, McClaren không đưa được đội bóng này qua khỏi vòng loại. Baxter (bản thân ông không biết nên nhận mình là người Anh hay Scotland) có 1 mùa dẫn dắt AIK Stockholm ở Champions League. Redknapp có 1 mùa dẫn dắt Tottenham. Và Harford 1 mùa với Blackburn.
Toàn bộ kỷ nguyên Champions League chỉ có đúng 6 HLV người Anh – gồm 5 vị chỉ được góp mặt 1 mùa; Shakespeare chỉ cầm quân từ giữa mùa; và Neville có đúng 1 trận! Trong khi đó, chỉ tính riêng mùa bóng này, Bồ Đào Nha đã có đến 6 nhà cầm quân ở Champions League (Jose Mourinho ở M.U, Leonardo Jardim ở Monaco, Rui Vitoria ở Benfica, Jorge Jesus ở Sporting Lisbon, Paulo Fonseca ở Shakhtar Donetsk, Sergio Conceicao ở Porto).
Trớ trêu ở chỗ, đây lại là mùa bóng mà nước Anh có đến 5 đội đang góp mặt ở vòng bảng. Họ đều khởi đầu thành công, có khả năng tất cả đều sẽ tiến vào giai đoạn knock-out. Trong khía cạnh giải trí, đấy là niềm vui chung cho quê hương bóng đá. Thậm chí các đội bóng Anh còn có thể tiến đi rất xa ở Champions League mùa này. Suy cho cùng, điều gì mà không thể xảy ra trong môn bóng đá!
Nhưng nếu bàn về chuyên môn, cho dù các đội bóng Anh thành công đi nữa, đấy cũng chỉ là sự thành/bại nhất thời của thứ bóng đá mang nặng màu sắc tiền bạc. Dấu ấn chuyên môn sẽ rất nhạt nhòa, nếu không muốn nói là sẽ chẳng có điều gì mang đọng lại để làm nên một “nhãn hiệu Anh” trong bóng đá đỉnh cao.
Khi các đại diện Calcio thành công, đấy sẽ là thứ bóng đá đặc sệt phẩm chất chiến thuật. Với bóng đá Tây Ban Nha, lối chơi đậm nét kỹ thuật là điều không thể lẫn vào đâu được. Luôn có một sợi dây xuyên suốt, gợi lên vấn đề trường phái ở các đội bóng của Tây Ban Nha hoặc Ý. Gặp lúc thành công thì bóng đá Đức hoặc Bồ Đào Nha, Pháp hoặc Hà Lan, cũng đều giới thiệu một bức tranh tổng thể với nét chủ đạo rõ ràng.
Bóng đá Anh thì không. Hoặc nói đúng hơn, bóng đá Anh cũng từng có bản sắc riêng, nhưng nay thì đã mất hết. Cũng từng có lúc, HLV người Anh là những “giáo sư bóng đá” rất có danh tiếng ở cúp C1 châu Âu. Bây giờ, chẳng còn chút gì…