Tại SEA Games 29, Bùi Thị Thu Thảo là một trong những niềm hi vọng vàng của thể thao Việt Nam. Nhưng ít ai biết rằng, vì giấc mơ vàng SEA Games mà Thảo phải tạm gác lại hạnh phúc đời người.
Gác hạnh phúc vì giấc mơ vàng SEA Games
Chúng tôi gặp Bùi Thị Thu Thảo đúng vào ngày cuối cùng trước khi cô cùng đồng đội ở tuyển điền kinh lên đường sang Malaysia dự SEA Games 29. Nước da ngăm đen, dáng người nhỏ thó nhưng ánh mắt của nữ VĐV sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo Ba Vì (Hà Nội) luôn đầy lạc quan.
Thảo cho biết, lần này, cô quyết tâm vượt qua thành tích tốt nhất của mình ở môn nhảy xa là 6,65m. Thế nhưng, khi nói về tấm HCV, cô gái sinh năm 1992 chỉ đề cập tới hai từ hi vọng: “Trong thể thao, mình hay vẫn có người khác hay hơn. Em sẽ nỗ lực vượt qua bản thân còn việc có giành được HCV hay không một phần còn phụ thuộc các đối thủ”.
Những lo lắng của Thảo hoàn toàn có cơ sở bởi ít nhất hai lần VĐV mang biệt danh “Thảo bò vàng” hụt HCV đầy đáng tiếc (ASIAD 2014, SEA Games 28) trước đối thủ nhập tịch người Indonesia, Maria Londa. Tuy vậy, tấm HCV nhảy xa châu Á hồi tháng 7 vừa qua sẽ là động lực không nhỏ để Thảo “đổi phận” tại SEA Games 29.
Thảo kể, cũng vì muốn giành HCV SEA Games, mang vinh quang về cho thể thao Việt Nam, cô đã phải gác lại hạnh phúc được làm mẹ.
Thảo kết hôn năm 2015 nhưng đến nay hai vợ chồng vẫn kế hoạch để cô chuyên tâm lo cho sự nghiệp. “Ban đầu, em dự định sau SEA Games 2015 sẽ sinh em bé nhưng thất bại cay đắng thôi thúc em gác lại hạnh phúc được làm mẹ. Họ hàng, làng xóm nhiều người dị nghị, nói này nói nọ nhưng rất may chồng em luôn hết lòng ủng hộ em, nếu không em khó tiếp tục theo đuổi giấc mơ. Trở về từ SEA Games 29, em vẫn tập trung cho ASIAD 2018 và Đại hội TDTT toàn quốc 2018 rồi mới nghĩ đến chuyện sinh con”, Thảo chia sẻ.
Nói thêm về người chồng của mình, Thảo cho biết, ngoài tinh thần, người bạn đời cô từng yêu bốn năm trước khi thành hôn còn giúp đỡ cô bằng hành động rất thiết thực. “Em quanh năm phải tập luyện ở Trung tâm Nhổn (Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia, Hà Nội – PV). Thương em đi lại vất vả, anh ấy đã xin bố mẹ cho ra thuê nhà ở gần trung tâm để thuận tiện cho việc tập luyện. Những bữa em về muộn, anh ấy đều đi chợ, nấu cơm, dọn dẹp tinh tươm”, nhà ĐKVĐ châu Á kể lại.
Mong có tiền thưởng để trang trải cuộc sống
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo Ba Vì, hoàn cảnh gia đình lại thiếu thốn, nên bố Thảo đã hướng con theo nghiệp thể thao: “Em biết bố em muốn em theo thể thao để được nuôi ăn, ở, có thêm tiền lương, thưởng, được học đại học. Ban đầu, em phản đối dữ dội nhưng giờ nghĩ lại mới thấy thấm thía. Bố là người có tác động lớn nhất tới sự nghiệp của em và cũng là nguồn động lực để em cố gắng đứng dậy mỗi lần vấp ngã”.
Trước câu hỏi nếu giành HCV SEA Games 29, số tiền thưởng Thảo dùng làm gì? Cô cho biết, sẽ trích một phần đỡ đần bố mẹ, phần còn lại để trang trải cuộc sống: “Hai vợ chồng em hiện cũng khó khăn. Thu nhập của VĐV thấp, chồng em cũng mới chuyển sang nghề sửa chữa ô tô, lương chưa đáng là bao trong khi lại phải thuê nhà, mọi chi phí đều đắt đỏ.
Chính vì thế, em nỗ lực đạt thành tích cao, ngoài việc đem vinh quang về cho Tổ quốc còn là để lo cho cuộc sống. Hi vọng em sẽ gặt hái thành công trên đất Malaysia, tại ASIAD 2018 để có một chút tích lũy lo cho con sau này bởi khi có con sẽ khó khăn hơn rất nhiều”.
Thảo vốn sở hữu thể hình không thực sự lý tưởng để theo đuổi điền kinh. Cô chỉ cao 1,65m và luôn là người thấp nhất trong các cuộc thi quốc tế. Nhưng nhờ sự bền bỉ trong tập luyện cùng sức bật thuộc hàng hiếm của làng nhảy xa Việt Nam, Thảo vẫn có bước tiến bộ vững chắc trên con đường chinh phục những đỉnh cao thể thao. Sẽ trọn vẹn hơn nếu như “Thảo bò vàng” đổi màu tấm huy chương ở Malaysia cuối tháng 8 này, đó sẽ là kết tinh của nỗ lực, tình yêu và khát khao vươn lên.