Không dễ để HLV Kiatisak Senamuang xây dựng đội tuyển Việt Nam thành công như đã làm với Thái Lan.
Danh tính tân HLV trưởng của tuyển Việt Nam đang trở thành đề tài nóng hổi, khi những Tuấn Anh, Duy Mạnh, Văn Quyết, Trọng Hoàng cần có người thầy mới để dẫn dắt chinh phục những mục tiêu trong năm 2017 sau khi HLV Hữu Thắng từ chức bởi thất bại tại SEA Games 29.
Một trong những ứng viên sáng giá cho vị trí HLV trưởng là Kiatisak Senamuang – cựu “thuyền trưởng” tuyển Thái Lan và là người từng có nhiều năm chơi bóng cũng như làm việc tại Việt Nam.
Kiatisak có thể xem như lựa chọn lý tưởng, bởi năng lực của chiến lược gia này đã được kiểm chứng sau nhiều năm dẫn dắt Thái Lan. Dẫu vậy, sẽ có rất nhiều khó khăn chờ đợi Kiatisak ở cương vị HLV tuyển Việt Nam. Tờ FourFourTwo Thái Lan đã chỉ ra những thách thức và lợi thế của “Zico Thái” để xây dựng và dẫn dắt thành công tuyển Việt Nam.
Thứ nhất, Kiatisak đủ khả năng dẫn dắt tuyển Việt Nam. Kiatisak rất hiểu bóng đá Việt Nam sau những năm tháng dẫn dắt Hoàng Anh Gia Lai, đồng thời rất hiểu bóng đá Đông Nam Á khi làm việc cả ở Thái Lan và Việt Nam trong khoảng thời gian dài. Để tìm được HLV “biết mình biết ta” hơn Kiatisak là không dễ cho VFF ở thời điểm này.
Thứ hai, Kiatisak cũng chiếm được cảm tình của người hâm mộ trong những năm tháng thi đấu ở Việt Nam. Kiatisak chơi bóng hay, làm việc chuyên nghiệp và “ghi điểm” với cổ động viên Việt Nam bằng những cử chỉ rất nhỏ. Sau chiến thắng 3-0 trước Việt Nam tại vòng loại World Cup 2018 trên sân Mỹ Đình, Kiatisak đã cùng các cầu thủ Thái Lan đi vòng quanh sân để cảm ơn cổ động viên khách cũng như cổ động viên nhà.
Đó là lợi thế, còn thách thức thì sao?
Truyền thông Việt Nam có thể sẽ không thích đội tuyển nước nhà được dẫn dắt bởi HLV người Thái.
Kiatisak có mối quan hệ tốt với bầu Đức – phó chủ tịch VFF. Tuy nhiên, bầu Đức đã tuyên bố từ chức sau thất bại tại SEA Games (trước đó, bầu Đức nói sẽ từ chức nếu U22 Việt Nam không vô địch SEA Games).
Kiatisak thành công trên cấp độ đội tuyển, nhưng ở cấp độ CLB, “Zico Thái” lại gặp rất nhiều khó khăn khi dẫn dắt Chonburi FC và Thai Port. Có thể, Kiatisak không có nhiều thời gian chuẩn bị và thích nghi, khi luân chuyển công việc từ đào tạo trẻ trên tuyển sang tìm kiếm cầu thủ chất lượng cho CLB.
Dẫu sao, đưa Thái Lan lọt vào top 12 đội mạnh nhất châu Á (vòng loại cuối cùng World Cup 2018) đã là thành công rất lớn. Chính Kiatisak đã đưa người hâm mộ Thái Lan trở lại với bóng đá sau những năm tháng khủng hoảng từ thời của Peter Reid (bắt đầu từ năm 2008).
Làm việc ở Thái Lan, Kiatisak nhận được sự hỗ trợ tối đa từ LĐBĐ Thái Lan. Nhưng ở Việt Nam, bản thân ngôn ngữ hay văn hóa đã là một rào cản. Cầu thủ Việt Nam cũng khác với cầu thủ Thái Lan dưới thời Kiatisak.
Cuối cùng, mức lương của Kiatisak cùng đội ngũ huấn luyện là cản trở rất lớn. VFF từng từ chối không ít HLV ngoại vì mức lương quá cao. Nếu ký hợp đồng với Kiatisak, khoản tiền hàng tháng VFF phải trả cho chiến lược gia này cùng đội ngũ huấn luyện có thể khiến những người tuyển chọn nghĩ lại.
Sau những phân tích về lợi thế cũng như khó khăn của FourFourTwo, tờ báo đi đến kết luận: Nếu muốn tìm kiếm những thách thức lớn hơn trong sự nghiệp, dẫn dắt tuyển Việt Nam có thể là lựa chọn thích hợp với Kiatisak. Nếu cầu thủ Việt Nam phù hợp với lối chơi mà Kiatisak đặt ra cho toàn đội, “Zico Thái” có thể gặt hái thành công.