Nếu VAR được áp dụng sớm hơn, tuyển Anh đã không phải chịu thất bại ấm ức trước Đức, pha ghi bàn bằng tay của Thierry Henry vào lưới CH Ireland năm 2010 cũng sẽ không xảy ra.
1. Bàn thắng không được công nhận của Frank Lampard (World cup 2010): Phút 38 trận tứ kết giữa Đức và Anh khi tỷ số đang là 2-1 nghiêng về “Cỗ xe tăng”, Frank Lampard chớp thời cơ sau một pha bóng lộn xộn để tung cú dứt điểm kỹ thuật về phía khung thành của Manuel Neuer. Thủ môn của tuyển Đức đã hoàn toàn bó tay nhưng bóng lại đi trúng xà.
Xem lại pha quay chậm, trái bóng đá đập xuống phần sân ở sau vạch vôi một cách rõ ràng sau khi dội xà nhưng bàn thắng đã không được công nhận. Sau khi xem lại băng hình, cả trọng tài chính và trọng tài biên đều đã phải thốt lên 2 tiếng “trời ơi” và đứng lên nhận trách nhiệm về sai lầm tai hại này.
Để thua 4-1 chung cuộc nhưng tuyển Anh của Fabio Capello đã nhận được sự thông cảm sau màn trình diễn mờ nhạt ở World Cup tại Nam Phi. Những sai lầm tương tự sẽ không lặp lại bởi công nghệ VAR sẽ lần đầu tiên được áp dụng ở kỳ World Cup năm tới tại Nga.
2. Pha ăn vạ của Fabio Grosso (World Cup 2006): Fabio Grosso xứng đáng được gọi là “người hùng” trong chức vô địch thế giới năm 2006 của Italy nhưng không phải theo cách thông thường mà bằng một pha ăn vạ thô thiển. Trong một nỗ lực đi bóng qua Lucas Neill, cựu hậu vệ của Azzurri đã qua mắt trọng tài bằng một cú ngã vờ dù trước đó, chân trụ của anh vẫn chạm đất.
Totti đã không phụ công đồng đội để ghi bàn đem về chiến thắng tối thiểu cho Italy trước Australia ở vòng tứ kết. “Tôi không hề cố tình trong pha bóng này. Tôi cảm thấy có tác động khiến mình không thể đi bóng thêm nữa”, Grosso thanh minh sau pha bóng đáng hổ thẹn.
3. Pha làm bàn bằng tay của Thierry Henry (play-off World Cup 2010): Phút 103 hiệp phụ thứ nhất trận đấu giữa Pháp và CH Ireland, Thierry Henry khống chế bóng bằng tay trước khi kiến tạo cho đồng đội ghi bàn thắng ấn định thắng lợi 2-1 cho Pháp. Bàn thắng này không chỉ đem về tấm vé dự VCK World Cup tại Nam Phi cho “Les Bleus” mà còn giúp Thierry Henry trở thành người đàn ông bị ghét nhất CH Ireland trong nhiều năm liền.
Cầu thủ và ban huấn luyện CH Ireland cũng đó đã gửi đơn khiếu nại lên FIFA nhưng không có kết quả. “Bóng đã chạm tay nhưng tôi không phải trọng tài. Nhiệm vụ của tôi là chơi bóng và nếu trọng tài công nhận thì đó là việc của ông ấy”, huyền thoại Thierry Henry thoái thác trách nhiệm.
Sự hả hê của người Pháp không kéo dài lâu khi đội tuyển của họ bị loại ở ngay vòng bảng World Cup 2010 với 1 trận hòa và 2 trận thua. Thất bại 1-2 trước chủ nhà Nam Phi là lần cuối cùng “Gà trống” xuất hiện tại ngày hội bóng đá thế giới năm đó.
2. Cú đánh đầu hợp lệ của Fernando Morientes (World Cup 2002): Tứ kết World Cup 2002, Tây Ban Nha đối mặt với chủ nhà Hàn Quốc. Một trận đấu căng thẳng với quyền kiểm soát thế trận thuộc về đội bóng đến từ xứ sở bò tót. Tình huống đáng chú ý nhất xảy ra ở phút bù giờ thứ 2, bóng từ chân Joaquin được Morientes lắc đầu đưa nằm gọn trong lưới Hàn Quốc. Ngay lập tức, trọng tài biên căng cờ tước đi bàn thắng hợp lệ của tiền vệ tài hoa sinh năm 1976.
Tây Ban Nha sau đó với tâm lý bị ảnh hưởng bởi những quyết định sai lầm của trọng tài đã thua Hàn Quốc trên chấm 11 m. Morientes cùng đồng đội phải nói lời chia tay giải đấu một cách đầy ấm ức. Hàn Quốc coi đây là chiến công huyền thoại nhưng với người hâm mộ bóng đá, trận đấu này thực sự là một vết nhơ khó xóa nhòa trong lịch sử World Cup.
1. Bàn tay của Chúa (World Cup 1986): Có trong mơ cũng chẳng ai nghĩ rằng Diego Maradona với chiều cao 1,65 m lại có thể đánh bại Peter Shilton cao 1,83 m cộng với sải tay dài trong pha 1 vs 1. Pha làm bàn bằng tay này được biết đến với tên gọi “Bàn tay của Chúa” và trở thành “huyền thoại của những tình huống để bóng chạm tay”.
Trận tứ kết World Cup 1986 xứng đáng đi vào huyền thoại khi chứng kiến 2 khoảnh khắc để đời của Diego Maradona. 4 phút sau khi ghi bàn bằng tay, cựu tiền đạo sinh năm 1960 đã tự mình lập nên một siêu phẩm solo huyền thoại để ấn định thắng lợi 2-0 cho Argentina trước “Tam sư”, qua đó đưa Albicelestes thẳng tiến đến chức vô địch thế giới thứ 2 trong lịch sử đội bóng.