2 ngày trước El Clasico: Enrique và những nước cờ sai

“Lạc nước 2 xe đành bỏ phí, gặp thời 1 tốt cũng thành công” – câu nói quen thuộc trong môn cờ Tướng có thể được áp dụng cho HLV Luis Enrique của Barcelona thời gian qua…

Khi Luis Enrique được bổ nhiệm vào vị trí HLV của Barcelona năm 2014, ông không nhận lại di sản trực tiếp từ Pep Guardiola mà đội bóng xứ Catalan trải qua 3 đời HLV trong 3 năm. Pep chia tay sau mùa giải 2011/12 để người trợ lý Tito Vilanova lên nắm quyền, tuy nhiên, căn bệnh ung thư vòm họng đã sớm đẩy ông khỏi chiếc ghế cũng như cuộc đời này. Sau đó là Tata Martino từ mùa giải 2013/14, nhưng cũng chỉ tồn tại trên ghế nóng được 1 mùa.

Enrique, nếu nhìn vào thành tích huấn luyện – từ Barca B, AS Roma cho đến Celta Vigo, lại không phải là lựa chọn mang lại nguồn cảm hứng cho Culé. Dù vậy, để đưa Barca trở lại với đỉnh cao vinh quang như Guardiola đã làm, lãnh đạo CLB chọn người bạn thân của ông ở CLB và ĐTQG trước đây, với một niềm tin rằng, cá tính Culé có trong huyết quản của Enrique.

Nói về thành tích, những gì mà Enrique mang về được cho Barca là không tồi, với 8 danh hiệu qua 2 mùa giải: 2 mùa liên tiếp giành cú đúp giải quốc nội (La Liga, Cúp Nhà vua), Champions League năm 2015 cùng Siêu cúp Tây Ban Nha, Siêu cúp châu Âu, Cúp thế giới các CLB.

Tuy nhiên, trong những thành công đó, người ta vẫn thấy được nền tảng mà Pep để lại có ảnh hưởng lớn, với Lionel Messi, Xavi Hernandez, Andres Iniesta, Sergio Busquets, Gerard Pique, Pedro Rodriguez – những người trưởng thành từ lò La Masia. Trong khi đó, với những bản hợp đồng mà Enrique đưa về trong nhiệm kỳ của mình, chỉ có Luis Suarez được cho là thành công.

Với Suarez và Neymar – siêu sao được đưa về năm 2013, Enrique có trong tay hàng tấn công đáng sợ nhất thế giới để chinh phục Champions League năm 2015, với trận chung kết thắng Juventus 3-1.

Gần 2 năm sau, Barca tái ngộ Juve, không phải ở chung kết mà là vòng tứ kết. Chỉ có 2 sự thay đổi so với đội hình mà Enrique đã dùng tại Berlin – Sergi Roberto thay Daniel Alves đã sang chính Juve và Samuel Samuel Umtiti thay Javier Mascherano. Ngược lại, Juve có đến 9 sự thay đổi để chỉ có Leonardo Bonucci, Gianluigi Buffon đá chính như năm 2015.

Barca đã chi rất nhiều để mang về những cầu thủ chất lượng

Không phải Barca không vận động sau chức vô địch châu Âu lần thứ 5. Họ thậm chí còn hoạt động mạnh, với tổng cộng 175 triệu euro đổ vào thị trường chuyển nhượng.

52 triệu cho Arda Turan (34) và Aleix Vidal (18) năm 2015; 123 triệu vào mùa Hè 2016: Paco Alcácer (30), André Gomes (35), Lucas Digne (17), Denis Suárez (3), Jasper Cillessen (13) và Umtiti (25). Chỉ có người cuối cùng được ra sân gặp Juve giữa tuần qua. Còn lại, gần như những đóng góp chỉ là con số 0.

Cũng trong thời gian đó, Carles Puyol giải nghệ, Xavi đã chia tay năm 2015, CLB không giữ chân Alves, Enrique sẵn sàng đẩy đi Cesc Fabregas, Pedro, Marc Bartra, Bojan Krkic, Martin Montoya, Gerard Deulofeu – những sản phẩm của lò La Masia, cũng như các tên tuổi đáng chú ý như Alexis Sanchez, Claudio Bravo.

Trong số những người Enrique đưa về, Ivan Rakitic được cho là nhân tố kế thừa Xavi, nhưng trên thực tế, cầu thủ người Croatia lại không phải kiểu tiền vệ như huyền thoại người Tây Ban Nha để điều tiết, giữ nhịp trận đấu. Do vậy, Iniesta, Busquets ở giữa sân cũng như Messi mất đi một đối tác vô cùng quan trọng. Nói đúng hơn, phần việc của 3 tên tuổi này ngày càng trở nên nặng nề hơn.

Rakatic chưa thể hiện được hết khả năng của mình

Trong khi đó, người có phong cách gần giống Xavi nhất là Toni Kroos lại đến Real Madrid cũng trong mùa Hè mà Rakitic tới Camp Nou!

Albert Soler và Robert Fernandez – 2 nhân vật đứng đầu bộ phận chuyển nhượng, được cho là phải chịu trách nhiệm về những bản hợp đồng không hiệu quả, nhưng nếu Enrique không gật đầu thì đâu thể thực hiện?
Một vấn đề quan trọng, xuyên suốt giai đoạn Enrique dẫn dắt Barca là khiến cho dòng máu La Masia cạn dần. Nhiều người cho rằng, 8 năm khoác áo Barca khi còn thi đấu đồng nghĩa với việc Enrique sẽ thấu hiểu La Masia là thế nào, nhưng thực tế, ông sinh ra và lớn lên ở Asturia, trưởng thành từ Sporting Gijon và chỉ đến với Barca sau 5 năm khoác áo… Real Madrid.

Trong 3 năm của Enrique, không một nhân tố nào của La Masia được đôn lên đội 1, trong khi lẽ ra ông cần phải hiểu rằng, trình độ các cầu thủ trẻ có thể kém hơn những tân binh ông đưa về nhưng họ hiểu truyền thống và phong cách của các đàn anh hơn để có thể đáp ứng theo thời gian. Ngược lại, những thống kê về Gomes, Alcacer, Digne, Denis, Turan, Vidal hay Thomas Vermaelen đều là thảm họa.

3 năm của Enrique, không một nhân tố nào của La Masia được đôn lên đội 1

Mua về rồi cũng chẳng đủ tin tưởng để thực hiện chính sách xoay vòng hợp lý để vừa khiến họ “chột” khi ra sân ở những trận đấu lớn, vừa khiến gánh nặng của MSN và các trụ cột khác chất thêm nhiều hơn.
Nhìn sang Real Madrid, Zinedine Zidane mới bắt đầu công việc hơn 1 năm nhưng đã hiểu và đặt niềm tin vào những sản phẩm mà CLB đào tạo như Lucas Vazquez, Marco Asensio… sau khi đã có chiến lược để họ thử lửa ở các CLB khác.

Enrique chuẩn bị bước ra khỏi cánh cửa sân Camp Nou, ông vẫn có thể mang về thêm 1 danh hiệu ở Cúp Nhà vua (đã vào chung kết). La Liga chưa hết hẳn cơ hội, nhưng Barca tiến vào trận El Clasico cuối tuần này với vị thế thấp chưa từng thấy so với chính họ trong những lần đối đầu Real Madrid gần 1 thập kỷ qua.
Tất cả là do Enrique đi những nước cờ sai!

Bài liên quan