Nghịch cảnh càng lớn, chiến thắng của U23 Việt Nam càng phi thường
Đã rất nhiều lần trong giải đấu này, những thử thách như muốn cợt trêu thầy trò HLV Park Hang-seo. Nhưng không một lần nào, chúng đánh gục được U23 Việt Nam.
Đã rất nhiều lần trong giải đấu này, những thử thách như muốn đùa cợt với thầy trò HLV Park Hang-seo. Nhưng không một lần nào, chúng đánh gục được U23 Việt Nam.
Ngày 23/1, SVĐ Changzhou, U23 Việt Nam, Park Hang-seo. Hãy nhớ lấy những tên tuổi vì U23 Việt Nam cuối cùng đã lần đầu tiên góp mặt trong một trận chung kết giải châu lục. Dù kết quả trận đấu cuối cùng có thế nào đi nữa, đoàn quân của HLV Park Hang-seo vẫn chắc chắn có huy chương – tấm huy chương đầu tiên và ngọt ngào của bóng đá Việt Nam trên đỉnh cao châu lục.
Nghịch cảnh tô điểm cho kỳ tích
Trong 4 đội bóng giành quyền vào bán kết, U23 Việt Nam là cái tên phải đương đầu với nhiều khó khăn nhất.
Đoàn quân của HLV Park Hang-seo sở hữu lịch thi đấu khó nhất với 5 đối thủ lần lượt là Hàn Quốc, Australia, Syria, Iraq và Qatar. Cả 5 trận, U23 Việt Nam đều vào sân ở thế cửa dưới, bị dồn ép từ đầu tới cuối.
U23 Việt Nam cũng là đội phải di chuyển nhiều nhất, xa nhất (3 điểm thi đấu khác nhau). Đội tuyển được nghỉ ngơi ít nhất (do nằm ở bảng D), luôn thi đấu sau cùng, luôn kém các đối thủ 1 ngày nghỉ.
Sau vòng bảng, U23 Việt Nam mất hậu vệ hay nhất (Đoàn Văn Hậu). Trận knock-out nào của đội tuyển cũng dài 120 phút và kết thúc trên chấm luân lưu. Cả 2 trận đều chứng kiến những quả phạt đền gây tranh cãi cho đối thủ. Cả 2 trận đều bị dẫn bàn, cả 2 trận đều để thủng lưới về cuối.
So với hành trình của các đối thủ, con đường U23 Việt Nam đã đi nhiều chông gai gấp bội. Nhưng bất chấp điều đó, HLV Park Hang-seo và các học trò vẫn chiến thắng. Australia, Iraq, Qatar đều đã là bại tướng của U23 Việt Nam. Những thất bại ấy đều tâm phục khẩu phục, đều sòng phẳng, rõ ràng và không cần bất kỳ sự trợ giúp nào.
Những thử thách khó nhất không làm U23 Việt Nam chùn bước. Ngược lại, nghịch cảnh chỉ càng khiến đội tuyển mạnh mẽ hơn. 2 lần bị dẫn trước ở VCK U23 châu Á 2018, U23 Việt Nam đều trở lại ngoạn mục. Điểm yếu tâm lý vốn luôn ám ảnh các đội tuyển Việt Nam đã biến mất hoàn toàn ở U23 Việt Nam. Hình ảnh Văn Thanh khoanh tay trước ngực, ăn mừng lạnh lùng là biểu tượng cho một U23 Việt Nam mới: tự tin và không sợ hãi.
Cùng với tuyển Việt Nam ở AFF Cup 2008, U23 Việt Nam 2018 có lẽ là 2 thế hệ sở hữu tâm lý vững vàng nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam.
Sát thủ U23 Qatar bị vô hiệu hóa như thế nào?
Sự nguy hiểm của tiền đạo Almoez Ali bên phía U23 Qatar. Là chủ nhân 5/7 bàn thắng của Qatar tại vòng chung kết, Ali vừa là chân sút tốt nhất, đồng thời là điểm yếu lớn nhất của Qatar. Vô hiệu hóa được Almoez Ali nghĩa là hàng thủ U23 Việt Nam đã giảm bớt được một nửa áp lực. HLV Park Hang-seo chắc chắn hiểu rõ ông phải làm gì với “viên ngọc đen” của người Qatar.
Thực tế trên sân đã diễn ra đúng như vậy.
90 phút trước U23 Việt Nam là màn trình diễn tồi tệ nhất của Almoez Ali. Anh chỉ có đúng 2 cơ hội dứt điểm và một đường chuyền quyết định. Bàn thắng duy nhất của Ali được ghi từ chấm phạt đền. So với trận gần nhất gặp Palestine, Almoez Ali có 4 cú dứt điểm, ghi được 2 bàn.
Trước U23 Việt Nam, Ali chạm bóng 67 lần nhưng hiếm khi có khoảng trống để cầm bóng và dứt điểm. Anh bị ép phải chuyền về tuyến hai, đẩy bóng xa ra khỏi khung thành. Các tiền vệ Qatar liên tục được nhận bóng và bị đẩy vào thế buộc phải sút xa. Nhờ thế, Tiến Dũng không phải đối mặt với nhiều tình huống dứt điểm trong vùng cấm và được thể hiện khả năng bắt sút xa rất tốt.
Quang Hải và vũ khí bóng hai của thầy Park
Trong khi U23 Việt Nam phong tỏa gần như hoàn toàn Almoez Ali, đội bạn lại không làm được điều tương tự với Quang Hải.
90 phút trước U23 Qatar là lần thứ 3 ở giải năm nay, Quang Hải khiến cả cầu trường phát cuồng vì những pha xử lý của mình. Nếu bàn thắng đầu tiên có phần may mắn khi hậu vệ U23 Qatar thiếu ăn ý với nhau thì pha lập công kế tiếp là bằng chứng cho thấy đẳng cấp của cầu thủ này.
Nhận bóng bật ra từ vòng cấm của Qatar, đối mặt với rừng hậu vệ đối phương, Quang Hải vẫn bình tĩnh xử lý, làm động tác giả trước khi tung cú cứa lòng tuyệt đẹp đánh bại thủ thành Mohammed Al Bakari. 3 lần chạm bóng, loại 4 hậu vệ, ghi 1 bàn thắng, tất cả chỉ diễn ra trong vẻn vẹn vài giây. Không thể gọi bàn thắng của Hải bằng một cái tên nào khác ngoài siêu phẩm. Đó là một pha xử lý gợi nhớ tới cú lắc hông huyền thoại của Ronaldinho vào lưới Chelsea hồi năm 2005.
Cả 2 bàn thắng của Quang Hải đều là những tình huống bóng hai rất hay. Kịch bản kinh điển là bóng được nhồi vào trung lộ, tiền đạo tranh chấp, tiền vệ đoán điểm rơi, chủ động chiếm địa lợi trước khi dùng kỹ thuật cá nhân để khống chế và dứt điểm.
Những tình huống bóng hai ấy là thứ vũ khí đã được U23 Việt Nam của ông Park Hang-seo tập đi tập lại suốt 2 tháng ròng rã. Và Quang Hải luôn là người thực hiện bài tập ấy nhuần nhuyễn nhất.
Sự chủ động trong các tình huống bóng hai là điểm đặc biệt trong chiến thuật của HLV Park Hang-seo. Lối chơi này đòi hỏi sự tập trung và ý thức tự giác cực cao từ các cầu thủ (nhất là tiền vệ). Nó vừa giúp đội bóng tăng cường khả năng phòng ngự sau không chiến, vừa tạo thêm cơ hội cho tiền vệ nhà băng lên dứt điểm.
Với 4 bàn tại VCK U23 châu Á 2018, Quang Hải cũng đang đứng thứ hai trong danh sách Vua phá lưới, chỉ kém Almoez Ali (U23 Qatar) 2 bàn. Anh đồng thời là ứng cử viên sáng giá cho danh hiệu cầu thủ hay nhất giải và chắc chắn sẽ là đối thủ nặng ký trong cuộc bầu chọn Quả bóng Vàng Việt Nam 2018.
U23 Việt Nam khỏe hơn Qatar?
Đối đầu Qatar là trận thứ 5 sau 13 ngày của U23 Việt Nam, là trận thứ hai liên tiếp kéo dài 120 phút. Với cường độ thi đấu ấy, ai cũng nghĩ U23 Việt Nam sẽ sớm sụp đổ. Nhưng cho tới lúc này, điều đó đã không xảy ra. Thể lực của Xuân Trường và đồng đội thực sự đã khiến người hâm mộ bất ngờ.
Đoàn quân của ông Park Hang-seo trở thành đội tuyển Việt Nam hiếm hoi vẫn chơi hay sau phút 70. Trước U23 Qatar, U23 Việt Nam kiểm soát bóng 35% trong 20 phút cuối so với 25% ở 70 phút đầu. Đội bóng Đông Nam Á ghi 2 bàn trong khi U23 Qatar chỉ có 1 bàn. Đoàn quân của ông Park đổi vai từ phòng ngự sang tấn công trong khi Qatar chỉ biết thu mình chống trả.
Nếu trận đấu chỉ tính từ phút 70, U23 Việt Nam sẽ không cần tới hiệp phụ. Thể lực, sự tập trung của U23 Việt Nam dưới thời ông Park thực sự là một ngoại lệ. Trong 7 bàn đã ghi, 5 pha lập công của U23 Việt Nam đến sau 70 phút. Sức mạnh của U23 Việt Nam ở cuối trận khiến người Qatar phải run sợ.
Điểm mạnh ấy cộng với những quyết định thay người chính xác của ông Park giúp U23 Việt Nam thực sự trở thành con “ngáo ộp” về cuối trận. Trước Iraq, Hà Đức Chinh vào sân ở phút 89, ghi bàn phút 112. Trước Qatar, Hồng Duy vào sân phút 61, kiến tạo cho Quang Hải phút 69. Mỗi quyền thay người là một lần ban phép của thầy Park. Ông thay người lần nào là hiệu quả lần đấy, cầu thủ nào vào sân cũng để lại dấu ấn đậm nét.
Càng về cuối càng chơi hay là đặc điểm chung của những đội bóng mạnh, là cá tính cần có của một nhà vô địch. Trên thực tế, U23 Việt Nam cũng chỉ còn cách chức vô địch một trận nữa.
Nguồn Zing
- Đối thủ của U23 Việt Nam ở chung kết: Bí mật U23 Uzbekistan
- Việt Nam nói là làm, thanh niên mặc váy đi làm sau trận thắng của U23 Việt Nam
- Chuyên gia Châu Á nói gì về màn trình diễn của U23 Việt Nam
- VFF đã chọn HLV Park Hang Seo như thế nào?
- Điểm tin sáng 24/01: M.U dùng Sanchez ‘dụ dỗ’ Arturo Vidal
- PSG CHÍNH THỨC sở hữu Lassana Diarra
- Trọng tài Muhammad Taqi không thoát khỏi tay các “thợ edit” wiki của Việt Nam
- Truyền thông, tuyển thủ Trung Quốc choáng váng trước U23 Việt Nam
- Nhận định Lazio vs Udinese, 00h30 ngày 25/01: Khó đoán kết cục
- Alexis Sanchez lần đầu đi xe đến sân tập Carrington