Thăng hoa trên sân nhà, người Nga viết tiếp giấc mơ đổi đời
Tròn 10 năm chờ đợi, bóng đá Nga mới lại mơ giấc mơ đổi đời sau thành công bất ngờ ở World Cup tính đến thời điểm này.
Cách đây ít ngày, một cuộc khảo sát nhỏ đã được thực hiện với câu hỏi: “Bạn biết tên của những cầu thủ nào trong đội hình dự World Cup của Nga hiện tại?”. Tin được không, khi rất nhiều cổ động viên Nga đã nhắc tới cái tên Andrey Arshavin – một cựu tuyển thủ Nga hiện đang “trôi dạt” ở Kazakhstan trong những ngày tháng cuối sự nghiệp.
Arshavin tất nhiên không được dự World Cup, nhưng nói đến bóng đá Nga, có lẽ chính người Nga cũng chỉ nhớ đến tuyển thủ này, vì Arshavin cùng Roman Pavlyuchenko là biểu tượng trong thành công gần nhất mà Nga có được trên đấu trường quốc tế: kỳ tích lọt vào bán kết EURO 2008. 10 năm qua, bóng đá Nga sa sút đến mức, không có thêm bất cứ cầu thủ nào in dấu vào tâm trí khán giả nhà.
Phần lớn số người được hỏi ngập ngừng với khả năng tiến sâu của Nga ở World Cup, trong khi cựu huyền thoại Andrei Kanchelskis cho rằng đội bóng của HLV Stanislav Cherchesov hiện tại là “tuyển Nga yếu nhất trong lịch sử”.
Người Nga đã khởi đầu World Cup với niềm tin lạnh giá hệt như mùa đông ở xứ bạch dương. Nhưng đó đã là câu chuyện của một tuần trước.
Bởi hôm nay, rất nhiều người Nga đã biết đến những Aleksandr Golovin, Denis Cheryshev, Artem Dzyuba hay Roman Zobnin – những người hùng vừa đưa Nga gần như chắc chắn có mặt tại vòng 1/8. Người Nga cũng sẽ không nhìn HLV Cherchesov như “tội đồ” khiến nhiều cầu thủ giỏi phải từ giã đội tuyển, hay coi “Gấu Nga” hiện tại là đội tuyển yếu nhất trong lịch sử.
Bởi hôm nay, thế hệ cầu thủ của những cái tên từng bị xem thường đang âm thầm thắp lại giấc mơ phục hưng của bóng đá Nga. Một giấc mơ mười năm mới xuất hiện một lần, song cũng đáng để chờ đợi và hy vọng.
Chỉ sau lễ khai mạc vỏn vẹn năm ngày, tuyển Nga đã có tới 99% cơ hội vượt qua vòng bảng. Hai trận đấu, 6 điểm tuyệt đối, tám bàn thắng, một bàn thua, đến lúc này, đừng nhắc tới Đức, Brazil, Argentina, Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha – những ứng viên vô địch bất thắng sau lượt trận đầu tiên. Cũng đừng nhắc tới Pháp, Anh, Bỉ – những đội mạnh chưa thể hiện được nhiều dù có trọn vẹn ba điểm.
Mà hãy nhắc đến Nga. Hào quang World Cup đang dành cho đội chủ nhà, với ánh bình minh ló rạng sau cơn mưa nặng hạt ở St Petersburg. Cổ động viên đang được tưởng thưởng ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh với những màn trình diễn của cầu thủ Nga – những người mà đến hôm nay, có lẽ họ mới nhớ mặt thuộc tên. Bóng đá Nga nợ người dân nơi đây những chiến thắng quá lâu, và giờ là lúc họ được đền đáp. Muộn còn hơn không.
Bởi “đội tuyển Nga yếu nhất trong lịch sử” ấy gặt hái được thành quả trên quê hương bằng thực lực và sự cố gắng, chứ không phải bởi những yếu tố ngoại cảnh. Đã có những tiếng xì xào khi Golovin cùng các đồng đội nằm cùng bảng với các đối thủ “thường thường bậc trung” như Uruguay, Ai Cập hay Ả Rập Xê Út, song phải thừa nhận: tuyển Nga thắng xứng đáng, thắng đậm, thắng đẹp và trình diễn thứ bóng đá lôi cuốn để thắp lại “giấc mộng Xô Viết” đã bị chôn vùi trong cuộc khủng hoảng toàn diện của bóng đá Nga.
Điểm số hiện tại của Nga gấp ba lần điểm số họ có được ở World Cup 2014 (dưới thời HLV Fabio Capello) và gấp sáu lần EURO 2016 (dưới thời HLV Leonid Slusky). Người Nga có những người hùng mới để thần tượng như Golovin, Cheryshev (chứ không phải nhớ mãi về thời xa vắng của Arshavin hay Pavlyuchenko), nhưng điều đó không có nghĩa tuyển Nga hô hấp trên “buồng phổi” của những cá nhân cụ thể.
Bởi ngôi sao sáng giá nhất của đội bóng xứ bạch dương chính là cả tập thể. Tám bàn thắng được chia đều cho Cheryshev, Golovin, Dzyuba và Gazinsky với những pha phối hợp đa dạng. Một bàn thua chỉ đến từ chấm phạt đền, khi hàng phòng ngự của Nga đã chơi rất chắc chắn trong hầu hết khoảng thời gian của hai lượt trận, tiêu biểu qua hình ảnh thủ môn đội trưởng Igor Akinfeev hầu như không phải làm việc. Những chiến thắng là hệ quả tất yếu của một cỗ máy đã vào guồng.
Tuyển Nga may mắn khi nằm ở bảng đấu không khó, nhưng chỉ có người Nga (chứ không phải FIFA) mới đủ sức tự mang lại chiến thắng cho họ. Nếu Uruguay không thua trước Ả Rập Xê Út, Nga sẽ chính thức điền tên mình vào vòng 1/8 – một thành quả tưởng như khiêm tốn, song lại là niềm khích lệ rất lớn với bóng đá Nga. 10 năm rồi, tuyển Nga mới lại chơi hay và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp như thế.
Nhắc lại câu chuyện cách đây 10 năm. Ở EURO 2008, Nga thảm bại 1-4 trước Tây Ban Nha ngay trong trận khai màn, trước khi âm thầm vực dậy và thắng trong cả hai trận đấu còn lại trước Hy Lạp và Thụy Điển để nhận vé đi tiếp. Đối diện với Hà Lan – đội bóng cuốn phăng cả Italia, Pháp và Romania ở vòng bảng, Nga đã chơi một trận để đời với lối đá áp sát và phòng ngự phản công chuẩn mực để đánh bại đối thủ với tỉ số 3-1. Dù phải dừng bước trước Tây Ban Nha (sau đó lên ngôi vô địch) ở bán kết, song giải đấu thành công trên đất Áo và Thụy Sĩ năm đó đã mang lại niềm hy vọng đổi đời cho bóng đá Nga.
Để rồi, hy vọng nhanh chóng biến thành nỗi đau ê chề. “Gấu Nga” cất tiếng gầm kiêu hãnh, trước khi trở lại vào giấc ngủ đông với những thất bại triền miên ở cả EURO lẫn World Cup. Đi kèm với thất bại của tuyển Nga, các đội bóng Nga cũng gây thất vọng ở Champions League và Europa League. Bóng đá Nga không sản sinh ra tài năng lớn nào nữa để kế vị “hoàng tử” Arshavin – ngôi sao lớn đã sa sút không phanh và chìm vào quên lãng bởi sự lười biếng.
Hình ảnh Arshavin tăng cân đến mức “phát phì” ở Kazakhstan là biểu tượng cho sự đình trệ của bóng đá Nga. Trước thềm vòng chung kết World Cup, một trong những nguyên nhân được chỉ ra khiến tuyển Nga tụt dốc nằm ở động lực. Các tuyển thủ Nga được trả mức lương ngất ngưởng bởi các đội bóng trong nước nên không có nhu cầu bước ra châu Âu để tích lũy kinh nghiệm, trái ngược với xu hướng “quốc tế hóa” ở tất cả các nền bóng đá.
Tư duy lạc hậu khiến người Nga không tận dụng được kỳ tích ở EURO 2008 để tạo nên sức bật. Nhưng hôm nay, những giọt mồ hôi của Cheryshev hay Zobnin đã cho bóng đá Nga có thêm một cơ hội đổi đời.
Cảm hứng đã trở lại với hàng chục triệu cổ động viên Nga, và dù giấc mơ tái hiện thứ bóng đá bốc lửa của đội tuyển Liên Xô dưới thời HLV huyền thoại Valeriy Lobanovsky năm nào vẫn còn xa xôi cách trở, người Nga ít nhất đã có thứ để kỳ vọng. World Cup này được tổ chức để người Nga xem người Nga chơi bóng, chứ không phải theo dõi Tây Ban Nha, Pháp, Anh, Đức thi thố tài năng.
- 3 điểm nhấn nổi bật của lượt trận đầu tiên vòng bảng World Cup 2018
- Những đại gia nào có nguy cơ rời cuộc chơi chỉ sau vòng bảng?
- Nhận định Iran vs Tây Ban Nha, 01h00 ngày 21/06: Chưa thể ổn định
- Nhận định Uruguay vs Ả Rập Xê Út, 2h00 ngày 20/06: Thảm bại trước mắt
- Nhận định Bồ Đào Nha vs Ma Rốc, 19h00 ngày 20/06: Trong thế đường cùng
- Tin chuyển nhượng 19/6: Atletico tốn bộn tiền vì Griezmann
- Harry Kane: Hình mẫu về số 9 đích thực
- Quá “màu mè”, Neymar trở thành trò cười của thiên hạ
- Nhận định bóng đá Nga vs Ai Cập, 1h00 ngày 19/06: Gấu Nga thăng hoa
- Nhận định bóng đá Ba Lan vs Senegal, 22h00 ngày 19/06: Thỏa sức mong chờ