Rooney và sơ đồ hình sin tại M.U
Rooney đã phát triển từ một thần đồng ở Everton thành tượng đài của M.U. Nếu rời M.U vào mùa Hè này, Rooney sẽ để lại sự nghiệp đầy vinh quang nhưng cũng nhiều thăng trầm.
“Rooney là một cầu thủ rất quan trọng với M.U, nếu anh ấy ở lại mùa giải tới, tôi sẽ rất vui mừng”, HLV Jose Mourinho đã chia sẻ như thế sau chiến thắng ở trận chung kết Europa League. Ai cũng biết đó là lời khen ngợi xã giao của Mourinho dành cho Rooney, bởi tiền đạo người Anh không được ông trọng dụng ở mùa giải này. Tương lai của cầu thủ 31 tuổi ở M.U đang trở nên u ám hơn bao giờ hết.
Thời gian sẽ trả lời cho câu hỏi Rooney ra đi hay ở lại M.U. Nếu ra đi, anh sẽ để lại sự nghiệp đầy vinh quang. Đoạt Europa League, “Gã Shrek” đã hoàn tất bộ sưu tập danh hiệu cùng Quỷ đỏ. Trong suốt 15 năm chơi bóng chuyên nghiệp, Rooney đã phát triển từ một thần đồng trở thành tượng đài của M.U và bóng đá Anh. Dưới đây là 7 giai đoạn trong sự nghiệp của Rooney.
1. Thần đồng
Ngay từ khi còn rất trẻ, Rooney mạnh mẽ và tài năng đã được phép luyện tập cùng các đàn anh ở đội một Everton. Vào tháng 8/2002, khi mới 16 tuổi, Rooney ra mắt Everton trong trận hòa 2-2 với Tottenham. Anh đã nhanh chóng khoe khoang tài năng bằng pha kiến tạo cho Mark Pembridge ghi bàn cho Everton.
Vào ngày 19/10/2002, 5 ngày trước sinh nhật lần thứ 17, thần đồng của bóng đá Anh ghi bàn vào lưới Arsenal, giúp Everton chấm dứt chuỗi 30 trận bất bại của Pháo thủ. Pha lập công đó cũng giúp Rooney trở thành cầu thủ trẻ tuổi nhất ghi bàn tại Ngoại hạng Anh. Rooney khi đó thậm chí chưa đủ tuổi để sở hữu giấy phép lái xe ở Anh, nhưng với tài năng xuất chúng, anh có thể lái cuộc đời mình tới những vinh quang.
Khoảnh khắc quan trọng: Sau bàn thắng của Rooney vào lưới Arsenal, HLV Arsene Wenger đã khen ngợi thần đồng này: “Rooney là tài năng lớn nhất mà tôi chứng kiến kể từ khi đến Anh”.
2. Khoác áo ĐT Anh và tới M.U
Vào tháng 2/2003, Rooney có trận ra mắt ĐT Anh trong trận giao hữu thua Australia 1-2. Anh trở thành cầu thủ trẻ nhất khoác áo Tam sư ở 17 tuổi 111 ngày (sau này bị Theo Walcott phá kỷ lục này). Từ đó, Rooney nhanh chóng chiếm được vị trí quan trọng trong đội hình của HLV Sven-Goran Eriksson. Chiến lược gia người Thụy Điển không bao giờ che dấu sự ngưỡng mộ với Rooney, gọi anh là “Pele trắng”.
Ở EURO 2004, Rooney là đầu tàu của ĐT Anh với 4 bàn thắng cho đến khi gặp chấn thương ở trận tứ kết gặp Bồ Đào Nha. Sau giải đấu này, Rooney trở thành cầu thủ được săn đuổi nhiều nhất trên TTCN. Sir Alex Ferguson đã quyết đoán thúc giục M.U chi ra 25,6 triệu bảng để mang về cầu thủ khi đó mới 19 tuổi. Tháng 8/2004, Rooney là người của M.U.
Khoảnh khắc quan trọng: Lập cú đúp vào lưới Croatia ở EURO 2004, giúp ĐT Anh thắng 4-2.
3. Ngôi sao lớn nhưng làm… người phục vụ
Chuyển tới M.U, Rooney nhanh chóng thể hiện tài năng, trở thành cầu thủ hàng đầu của đội chủ sân Old Trafford. Ngay ở trận ra mắt, anh đã lập hat-trick vào lưới Fenerbahce tại đấu trường Champions League. Rooney hội đủ mọi yếu tố để trở thành ngôi sao số một của Quỷ đỏ. Thế nhưng, ở M.U khi đó có một tài năng tuổi teen xuất chúng khác: Cristiano Ronaldo. Ferguson nhận ra rằng Ronaldo muốn trở thành trung tâm của vũ trụ, trong khi Rooney đồng đội hơn, hạnh phúc hơn khi làm người hỗ trợ.
Sau xích mích ở World Cup 2006 (Ronaldo dùng tiểu xảo khiến Rooney bị đuổi khỏi sân trong trận tứ kết giữa Bồ Đào Nha và Anh), Rooney cùng Ronaldo đã làm hòa, kết hợp thành bộ đôi lợi hại trên hàng công của M.U. Họ đã đưa M.U tới vinh quang, 3 lần liên tiếp vô địch Ngoại hạng Anh từ 2006-2009 và 1 lần vô địch Champions League (2008).
Khoảnh khắc quan trọng: Chiến thắng 4-1 của M.U trước Bolton vào tháng 3/2007 cho thấy sự kết hợp tuyệt vời giữa Rooney và Ronaldo.
4. Trở thành trung tâm của M.U
Ferguson đã không thể ngăn cản Ronaldo đến với Real vào mùa hè 2009. Siêu sao người Bồ Đào Nha rời đi, đặt Rooney vào thế buộc phải trở thành trung tâm của M.U, điểm tựa cho đội bóng. Rooney đã tiến lên và hoàn thành tốt trọng trách đó. Mùa 2009/10, Rooney là tay săn bàn tốt nhất M.U với 34 bàn trên tất cả các mặt trận.
Thế nhưng, chấn thương mắt cá chân trong trận tứ kết lượt đi Champions League 2009/10 gặp Bayern đã phá vỡ mùa giải tuyệt vời của Rooney cũng như ngăn cản M.U đến với các danh hiệu mùa đó.
Khoảnh khắc quan trọng: Chấn thương trận gặp Bayern ở tứ kết Champions League 2009/10.
5. Sứt mẻ tình cảm với Ferguson
Sau World Cup 2010 thất vọng cùng ĐT Anh, Rooney trở về Old Trafford và đối diện với tình cảnh mà anh cho là không tốt của M.U. Sau khi bán Ronaldo, M.U đã mang về những cầu thủ kém chất lượng như Bebe, Gabriel Obertan hay Mame Biram Diouf. Rooney chán nản và đề đạt yêu cầu chuyển nhượng vào tháng 10/2010.
Vào thời điểm đó, Ferguson rất cần Rooney ở lại để tránh một sự sụp đổ trong bối cảnh vươn lên mạnh mẽ của gã hàng xóm Man City. Ferguson thuyết phục cậu học trò ký vào bản hợp đồng 5 năm với mức lương cao hơn. Tiền đạo người Anh ở lại và giúp M.U lên ngôi vô địch Ngoại hạng Anh 2010/11. Dù vậy, mối quan hệ giữa Rooney và Ferguson không bao giờ nồng ấm trở lại như trước.
Khoảnh khắc quan trọng: Vào tháng 10/2010, Ferguson chia sẻ không thể hiểu tại sao Rooney lại muốn rời M.U.
6. Sa sút phong độ
Mùa 2012/13, Rooney mờ nhạt trước sự tỏa sáng của Robin van Persie. Khi Ferguson nghỉ hưu vào cuối mùa và trao lại quyền cho David Moyes, Rooney một lần nữa muốn rời M.U. Cuối cùng, CLB phải chi ra mức lương 300.000 bảng/tuần mới thuyết phục được Rooney ở lại.
Nhưng cũng như nhiều ngôi sao khác, Rooney sa sút phong độ trong triều đại chỉ kéo dài 10 tháng của Moyes ở sân Old Trafford. Cuối mùa 2013/14, M.U từ đương kim vô địch tụt xuống đứng thứ 7 trên BXH Ngoại hạng Anh.
Khoảnh khắc quan trọng: Ký hợp đồng mới vào tháng 2/2014, nhận mức lương 300.000 bảng/tuần.
7. Thành người bên lề tại M.U
Khi Van Gaal tiếp quản M.U vào mùa hè 2014 và Nemanja Vidic rời đi, Rooney đã được trao chiếc băng đội trưởng. Thế nhưng, anh không còn đủ sức để thành đầu tàu giúp M.U phục hưng. Rooney không còn là tiền đạo sắc bén, phải chơi ở nhiều vị trí khác nhau như “số 10”, hay lùi sâu trở thành tiền vệ kiến thiết lối chơi.
Ở vị trí nào, Rooney cũng chơi cùng lắm là tròn vai. Vào mùa hè 2016, Mourinho trở thành HLV của M.U và hứa sẽ trọng dụng Rooney ở vị trí tiền đạo. Thế nhưng, Zlatan Ibrahimovic đến và Marcus Rashford ngày càng tiến bộ đã tước đi cơ hội của Rooney. Mourinho miễn cưỡng sử dụng Rooney như một tiền vệ.
Trong mùa 2016/17, Rooney đã trở thành tay săn bàn xuất sắc nhất lịch sử của M.U và ĐT Anh. Dù vậy, vai trò của anh tại M.U và Tam sư đang ngày càng mờ nhạt dần. Rooney không còn được gọi vào ĐT Anh và có lẽ, ngày anh không còn là Quỷ đỏ cũng đã đến rất gần.
Khoảnh khắc quan trọng: Cú sút phạt vào lưới Stoke vào ngày 21/1/2017 giúp Rooney vượt Sir Bobby Charlton thành cầu thủ ghi bàn hàng đầu trong lịch sử M.U với 250 bàn (hiện tại là 253 bàn).
- Joe Hart lên tiếng xác nhận chia tay Torino
- CHÍNH THỨC: Barca gia hạn thành công với trụ cột
- Conte đưa ra lý do siêu dị cho hành vi ăn vạ của Moses
- Tin chuyển nhượng 29/5: Man City tiếp tục “hút máu” Monaco
- Mùa hè dậy sóng đang chờ Arsenal
- Ngoại hạng Anh 2016/17: 3 điểm nhấn chiến thuật đáng chú ý nhất
- Sao Arsenal vẫn “trên mây” sau chức vô địch FA Cup
- NÓNG: Barcelona ra mắt áo đấu chất lừ mùa giải 2017/2018
- 10 ‘nhạc trưởng’ đắt giá nhất làng túc cầu: Bất ngờ với vị trí số 1
- Varane dụ dỗ sao Monaco tới Real Madrid