Philipp Lahm: Trường hợp đặc biệt không lời giải trong lịch sử bóng đá

21/05/2017 06:47

Đến khi Philipp Lahm giải nghệ, người ta vẫn không biết anh là hậu vệ trái hay nhất thế giới, hậu vệ phải hay nhất thế giới hay tiền vệ thông minh nhất thế giới.

Khi Pep Guardiola tiếp quản Bayern Munich năm 2013, ông đã từng làm việc với rất nhiều cầu thủ đẳng cấp thế giới trước đó. Từ Messi, Xavi, Iniesta ở Barca và khi đến Bayern, Pep lại có cơ hội huấn luyện những siêu sao như Robben, Ribery hay Neuer.

Thế nhưng, chưa một ai có thể tạo ra ảnh hưởng lớn đến Pep như Philipp Lahm, người mà chính Guardiola đã phải thừa nhận: “Có lẽ Lahm là cầu thủ thông minh nhất tôi từng huấn luyện trong cả sự nghiệp của mình”.

TIỀN VỆ PHILIPP LAHM

Được biết đến như một hậu vệ cánh nhưng Lahm đã làm lu mờ ranh giới giữa một hậu vệ và một tiền vệ, và anh cũng khiến những quan điểm trước đó về một hậu vệ trở nên lỗi thời.

Khi Pep mới đến Bayern, Lahm vẫn chỉ là một hậu vệ, nhưng là một trong những hậu vệ cánh xuất sắc nhất thế giới. Người ta chỉ biết gọi anh là hậu vệ cánh hay nhất bởi anh có thể chơi tuyệt vời ở cả cánh trái lẫn cánh phải. Điều này có được là nhờ kĩ năng chơi “hai chân như một” và cảm quan vị trí tuyệt vời của Lahm.

Chẳng ai dám nghĩ đến việc thay đổi vị trí của một cầu thủ đang là hay nhất thế giới, ngoại trừ Pep Guardiola. Trận tranh Siêu cúp châu Âu với Chelsea năm 2013, Pep đã mạnh dạn đưa Lahm vào trung tâm hàng tiền vệ Bayern và chơi thiên về phòng ngự, sau lời khuyên của trợ lý Domenec Torrent.

Lahm được Pep Guardiola bố trí chơi tiền vệ.

Tuy trận đấu ấy Bayern chỉ thắng nhờ loạt luân lưu nhưng với Pep, kết quả không quan trọng bằng việc ông đã có một trong những phát kiến thú vị nhất sự nghiệp: tiền vệ Philipp Lahm. Thậm chí, Pep có thể dành cả tuần hoặc cả tháng chỉ để nói về việc Lahm đá tiền vệ hay thế nào.

Ông mô tả Lahm là cầu thủ thông minh nhất mình từng huấn luyện, và rằng Lahm ở một đẳng cấp hoàn toàn khác so với phần còn lại. “Các trận bóng luôn được quyết định ở vị trí tiền vệ, thế nên bạn phải để cầu thủ xuất sắc nhất của mình chơi ở vị trí đó. Ở đây chính là Lahm”, Pep cho hay.

Pep ngày càng phát cuồng về Lahm. Sau trận thắng kình địch Dortmund năm 2013, Pep đã phải thốt lên: “Nếu chúng tôi giành danh hiệu mùa giải này thì công lớn thuộc về quyết định đưa Lahm chơi ở vị trí tiền vệ. Tất cả mọi thứ như vào đúng vị trí của nó từ cái giây phút mà tôi đưa Lahm chơi như một tiền vệ”.

Rất nhiều lời ngợi ca đã được dành cho Lahm, cho sự thông minh của anh. Cây viết người Đức Uli Hesse nói rằng Lahm có thể chơi hay ở mọi vị trí trên sân, thậm chí gọi anh là hậu vệ trái hay nhất thế giới, hậu vệ phải hay nhất thế giới và tiền vệ hay nhất thế giới. HLV Hermann Gerland – người từng huấn luyện Lahm ở đội trẻ Bayern cũng chỉ nói đơn giản rằng Lahm “không đủ khả năng để chơi một trận đấu tệ”.

Khi Lahm mới 19 tuổi, Hermann Gerland muốn tìm một đội bóng để gửi Lahm sang học việc. Hermann Gerland đã liên hệ HLV của Stuttgart khi ấy là Felix Magath và đề nghị “Thiên nga” mượn lại một cầu thủ của Bayern, người mà “nhìn như cậu nhóc 15 tuổi nhưng chơi bóng như thể 30 tuổi”. Magath khi đó muốn biết thêm Lahm có thể chơi những vị trí gì và ông nhận được câu trả lời của Gerland: “Hậu vệ trái, hậu vệ phải, tiền vệ phải hay tiền vệ trung tâm cũng được”.

KHÁC BIỆT

Tuy vậy, Lahm lại rất khiêm tốn khi nói về bản thân. Anh không tự nhận mình là một tiền vệ xuất sắc mà chỉ nói rằng đây là một xu hướng của bóng đá hiện đại: “Bóng đá đã thay đổi rất nhiều. Hiện nay có rất nhiều tiền vệ trên sân và những hậu vệ cánh truyền thống cũng không còn nhiều nữa”.

Thế nhưng phải khẳng định rằng, Lahm chính là người đi đầu trong xu thế ấy và cũng là người hay nhất. Nhờ có Lahm mà vai trò của một hậu vệ cánh đã thay đổi nhiều trong những năm qua. Trước kia, hậu vệ cánh được xem như một vị trí phòng thủ chủ yếu thì giờ đây vị trí ấy được coi như sự khởi đầu của một đợt tấn công. Nếu như một thập kỷ trước, hậu vệ hay nhất Premier League là Gary Neville thì giờ đây phải kể đến Kyle Walker hay Bellerin, những người chịu sự tác động từ chính Philipp Lahm.

Rất khó để tìm được cầu thủ nào toàn diện như Lahm.

Hơn nữa, Lahm cũng thay đổi quan niệm về phong thông tin bóng của một hậu vệ cánh. Hiếm khi người ta thấy ở Lahm những pha tranh chấp nảy lửa, những cú tắc bóng dữ dội. Và có một điều không bao giờ xuất hiện ở Philipp Lahm: thẻ đỏ. Thật vậy, trong suốt sự nghiệp của mình Lahm chưa từng phải nhận một thẻ đỏ nào dù anh phải chơi hậu vệ hay tiền vệ phòng ngự.

Lahm là điển hình cho mẫu cầu thủ chơi khôn ngoan, tinh tế và đầy chất nghệ sĩ. Phong thông tin bóng của Lahm được thừa nhận trên toàn thế giới. Carlos Alberto, hậu vệ cánh từng dẫn dắt Brazil vô địch World Cup nói rằng Lahm chính xác là một người nghệ sĩ trên sân bóng. “Đôi khi Lahm thật ngoạn mục. Cậu ấy chẳng bao giờ mắc sai lầm. Chỉ có máy móc mới làm được như vậy. Nhưng không, cậu ấy thật sự là một nghệ sĩ”.

Cho đến khi kết thúc sự nghiệp của mình, trong những di sản mà Lahm để lại vẫn không có một sai lầm nào trên sân bóng. Có lẽ, di sản lớn nhất của anh là chức vô địch World Cup cùng đội tuyển Đức.

Trước Lahm, đã có 2 người đội trưởng vĩ đại từng đưa Die Mannschaft tới chức vô địch World Cup là Franz Beckenbauer và Lothar Matthaus. Cả 2 đều là những đội trưởng mạnh mẽ, vững trãi và đầy sức vóc. Chính họ đã làm nên thương hiệu “Cỗ xe tăng” cứng cỏi, lầm lỳ và thô ráp mà người ta vẫn biết.

Nhưng Philipp Lahm đã mở ra một chương mới cho người Đức, đã thay đổi hình ảnh “Cỗ xe tăng” và truyền cảm hứng cho mọi người về một nghệ sĩ phòng ngự trên sân bóng, một nghệ sĩ chơi bằng sự thông minh, cần cù và cả tinh tế.