SEA Games 2017 là giải đấu của những “cô gái vàng” Việt Nam khi họ liên tục tỏa sáng, làm nên nhiều chiến công phi thường cho thể thao nước nhà ở giải đấu lớn nhất khu vực.
Dương Thúy Vi là người mở hàng cho thể thao Việt Nam ở SEA Games với tấm HCV nội dung kiếm thuật. Đây là lần thứ 3 trong sự nghiệp, Thúy Vi giải “cơn khát vàng” cho đoàn Việt Nam ở một giải đấu lớn. Trước đó, cô từng làm điều tương tự tại SEA Games 2013 và ASIAD 2014. Không lâu sau khi giành HCV kiếm thuật, Thúy Vi cũng mang về HCV nội dung thương thuạt. Cô là 1 trong số rất ít nữ VĐV Việt Nam và là võ sĩ wushu duy nhất sở hữu 2 HCV ở SEA Games 2017
Nguyễn Thị Ánh Viên tiếp tục là chủ lực của thể thao Việt Nam ở SEA Games. “Tiểu tiên cá” giành 8 HCV, phá 3 kỷ lục SEA Games. Số lượng huy chương của Ánh Viên tương đương kỳ Đại hội cách đây 2 năm tại Singapore nhưng ấn tượng hơn khi cô đã phá những kỷ lục do chính mình lập ra
VĐV người An Giang giành 8 trên tổng số 10 HCV của đoàn bơi lội Việt Nam. Thành tích này ngang với kỷ lục của Ánh Viên ở SEA Games lần trước. Một số HCV của Ánh Viên diễn ra ở các nội dung không phải sở trường của cô. Kết thúc giải, Ánh Viên vẫn là ngôi sao lớn nhất của thể thao Việt Nam. Kình ngư này thể hiện sự chênh lệch khi bơi trước đối thủ nửa vòng bể hoặc hơn.
Ở môn điền kinh, Nguyễn Thị Huyền là người mang về HCV đầu tiên ở nội dung 400 m rào đồng thời phá kỷ lục SEA Games. Sau đấy, cô gái Nam Định giành thêm 2 tấm HCV ở nội dung 400 m thường và tiếp sức 4×400 m. Cô lặp lại thành tích của chính mình đạt được trong kỳ SEA Games 2 năm trước tại Malaysia.
Thành tích của Nguyễn Thị Huyền là cực kỳ ấn tượng trong bối cảnh cô vừa trải qua một quãng thời gian dài phong độ sa sút. Huyền không còn nằm trong danh sách VĐV được đầu tư trọng điểm và suýt bị loại khỏi đội tuyển quốc gia.
Bên cạnh Nguyễn Thị Huyền ở cự ly trung bình, cự ly chạy ngắn của điền kinh Việt Nam cũng xuất hiện một “nữ hoàng” mới. VĐV 20 tuổi Lê Tú Chinh giành HCV 100 m và 200 m ngay trong lần đầu tiên tham dự SEA Games. Cô sẽ được đầu tư trọng điểm để nhắm tới mục tiêu ASIAD vào năm tới. Với sự xuất hiện của Tú Chinh, đội điền kinh 4×100 m cũng giành lấy tấm HCV lịch sử. SEA Games 2017 chứng kiến thành công phi thường của điền kinh Việt Nam với 17 tấm HCV, xô đổ sự thống trị của người Thái ở môn thể thao quan trọng này
Một “cô gái vàng” khác của điền kinh gây ấn tượng mạnh là VĐV xinh xắn Nguyễn Thị Oanh. Cô giành 2 HCV ở các nội dung 1.500 m và 5.000 m. Trong cả 2 chiến thắng, cô đều bỏ cách rất xa các đối thủ nước ngoài để một mình băng băng về đích.
Ở nội dung 5000 m, Nguyễn Thị Oanh đã quay lại dìu Phạm Thị Huệ – lúc ấy đang kiệt sức, để cùng ăn mừng chiến thắng. Đây là một trong những khoảnh khắc xúc động nhất của thể thao Việt Nam tại SEA Games. Bản thân Huệ cũng giành HCB ở nội dung này.
“Nữ hoàng chân đất” là biệt danh mà truyền thông đặt cho VĐV chạy 10.000 m Phạm Thị Huệ. Chân không giày, tất, Phạm Thị Huệ vẫn xuất sắc giành HCB 10.000 và 5.000 m. Huệ cho biết cô bị đau gót chân nên sẽ thoải mái hơn nếu chạy không giày. Với rất nhiều người, sự khổ luyện và sức mạnh tinh thần của VĐV người Quảng Ninh khiến chiếc HCB có giá trị như một tấm HCV.
Sau 2 lần liên tiếp ở những kỳ SEA Games trước, Bùi Thị Thu Thảo đã mang về HCV đầu tiên cho điền kinh ở nội dung nhảy xa. Ít người biết rằng, Thu Thảo từng phải đi làm phụ hồ, thợ xây do hoàn cảnh gia đình khó khăn.
3 VĐV Nguyễn Thị Lệ Kim, Nguyễn Thị Thu Ngân, Châu Tuyết Vân đã mang về tấm HCV ở nội dung đồng đội nữ cho Taekwondo Việt Nam với 8,43 điểm. Đây là 1 trong 2 tấm HCV của Taekwondo Việt Nam ở kỳ Đại hội năm nay.
Niềm hạnh phúc của nữ võ sĩ Nguyễn Thị Hồng Anh sau tấm HCV kumite hạng 68 kg. Khi trận đấu sắp kết thúc, Hồng Anh vẫn bị VĐV chủ nhà Malaysia Misty Philip dẫn 3-1. Nhưng với một cú đá vòng cầu chính xác, Hồng Anh đã giành 3 điểm, thắng ngược 4-3 trong sự ngỡ ngàng của CĐV chủ nhà.
Ngoài ra không thể không nói đến bóng đá nữ Việt Nam. Đây là lần thứ 5 các cô gái vàng của môn túc cầu giành chức vô địch SEA Games, đạt thành tích ngang bằng với Thái Lan.