Nếu Argentina không thể tới Nga, xin đừng đổ lỗi cho Messi!
Nếu sau “ngày phán quyết” Argentina thực sự không thể giành quyền tới World Cup 2018, đó không phải lỗi của Messi. Chỉ vì không có ai đồng hành với anh. Và một cá nhân chẳng thể chinh phục được cả đỉnh Everest.
“…Người ta không lấy làm ngạc nhiên khi đỉnh Everest không hề chịu khuất phục con người chỉ sau một vài nỗ lực đầu tiên. Thật ra, nếu đơn giản như vậy thì các nhà leo núi cũng sẽ rất buồn lòng, bởi vì nó không còn là đỉnh núi vĩ đại nữa.
Những người chinh phục biết rằng đỉnh Everest đang nắm giữ chìa khóa mà họ cần để đi đến thành công…”, nhà leo núi nổi tiếng người Anh, Eric Shipton đã viết như thế vào năm 1939, trong cuốn Phía trên ngọn núi ấy.
Tất nhiên, nếu đứng bên cạnh Everest, nơi mệnh danh là nóc nhà thế giới với độ cao 8.848 m, thì Quito của Ecuador chỉ như một anh chàng tý hon. Độ cao 2.850 m so với mực nước biển của nó thậm chí cũng không thể so sánh với Aconcagua, đỉnh núi cao nhất Nam Mỹ nằm ở Argentina (6.961 m) – quê hương Lionel Messi.
Thế nhưng không khí loãng, thời tiết biến thiên liên tục trong ngày, bức xạ cực tím UV mạnh và cùng ánh xạ mặt trời cường độ cao khiến nơi này thực sự là địa ngục với những cầu thủ bóng đá. 2 dịp chơi bóng ở Quito, Messi không ít lần nôn khan và cố gắng lấy oxy bằng cách dừng lại, chống tay xuống gối. Cả 2 lần anh đều không thể tạo ra ảnh hưởng tích cực, đừng nói là ghi bàn thắng.
Nhưng ở lần thứ 3 này, bằng mọi cách, Messi phải ghi bàn, phải tỏa sáng. Không có lựa chọn nào khác. Sau lưng anh là 44 triệu người dân Argentina cùng niềm tự hào về một đất nước 2 lần vô địch World Cup. Chinh phục Quito đồng nghĩa với việc, Messi sẽ băng qua ngọn núi khác: sự sùng bái ở đất nước mình sinh ra.
Đã có một giai đoạn dài Messi vật lộn để được chiếm lấy trái tim những người Argentina. Sự kiện đưa Albiceleste tới chung kết World Cup 2014 đã giúp xua tan tiếng chỉ trích và la ó, nhưng vì đã thất bại để trở thành nhà vô địch, La Pulga vẫn không thể thay thế Diego Maradona trong tâm trí họ.
Ở Argentina, Maradona là “Cậu bé Vàng”, là Dios hay Thiên Chúa. Đất nước này sẵn sàng tha thứ cho những bê bối và chỉ nhớ đến ông với tài năng thiên bẩm, gần như một tay kiến tạo khoảng thời gian tươi đẹp của Albiceleste với 2 lần vào chung kết World Cup (1 vô địch).
Messi đã có mọi thứ để trở thành một Maradona thứ hai. Nhưng than ôi, anh không phải Thiên Chúa. Hoặc bóng đá hiện đại đã thay đổi để loại bỏ khái niệm “đội bóng một người”. Messi rất xuất sắc, nhưng những người khác cũng cần phải làm việc.
90 phút tệ hại trước Peru mới đây là trận đấu điển hình của Albiceleste trong thời đại Messi. Siêu sao 30 tuổi đã làm mọi thứ, từ việc cướp đoạt trái bóng, đi xuyên qua các hậu vệ đối phương (7/12 pha đi bóng thành công), tự mình dứt điểm (2, một trong số đó trúng khung gỗ) và kiến lập cơ hội cho đồng đội (cung cấp 6 đường chuyền ngon ăn).
Thế nhưng Dario Benedetto và Alejandro Gomez lại bỏ lỡ. Và HLV Jorge Sampaoli khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn với các quyết định loại bỏ Paulo Dybala cùng Mauro Icardi. Tất cả những điều này khiến Messi khi trở về khoác áo Argentina chỉ là một cầu thủ như mọi cầu thủ, có điều làm nhiều hơn người khác. Nói cách khác, anh bị tầm thường hóa.
Vào năm 1986, Maradona vĩ đại nhưng để chiến thắng trong cả chiến dịch cũng cần một HLV vĩ đại (Carlos Bilardo) và các đồng đội vĩ đại (Daniel Passarella, Jorge Valdano hay Jorge Burruchaga, người ghi bàn quyết định đánh bại Tây Đức ở chung kết). Hoặc gần đây, Ronaldo, kình địch suốt đời của Messi không bao giờ trở thành nhà vô địch châu Âu nếu không khoảnh khắc lóe sáng của gã Eder vô danh.
Cũng như Everest không bao giờ được chinh phục bởi các nhà leo núi đơn độc, mà luôn in dấu chân của cả đoàn thám hiểm. Messi sẽ lên đỉnh khi những người đồng hành chơi ở tiêu chuẩn của anh và cùng có chung khao khát tìm kiếm chìa khóa thành công.
Bằng không, trong trường hợp Argentina không thể tới World Cup, lần đầu tiên kể từ năm 1970, đó không phải lỗi của Messi.
Argentina đã không thể ghi bàn từ một tình huống mở dù đã tung ra 73 cú sút ở 5 trận vòng loại World Cup gần nhất. Với những gì đã thể hiện, theo tính toán của ESPN, họ chỉ có 47% cơ hội giành vé (dù là suất dự play-off), thấp nhất trong số 6 đội tiềm năng.
- PSG tiếp tục ủ mưu “nẫng tay trên” Barcelona
- Argentina và nỗi lo fan bị đột quỵ trước trận “phán quyết” với Ecuador
- Real hướng về TTCN mùa đông: Bù cả công lẫn thủ!
- VL World Cup khu vực châu Âu: Điều kiện gì để giành vé đến Nga?
- TOP 10 trung vệ hay nhất châu Âu hiện tại: Ngoại hạng Anh chỉ có 1 cái tên; Ramos không phải là nhất
- 5 điều ĐT Anh cần làm cho mục tiêu World Cup 2018
- Chelsea sắp “ngộp thở” vì N’Golo Kante?
- Tân HLV trưởng Park Hang Seo: Mục tiêu “ao làng”, lương hàng… thế giới
- Điểm tin bóng đá Việt Nam sáng 09/10: Thanh Trung đề cao vai trò của Công Vinh
- Chấm điểm Lithuania 0-1 Anh: Cơn gió mới – Harry Winks