Trong suốt chiều dài lịch sử, đã có tổng cộng 674 cầu thủ từng tham dự cả 2 giải đấu này nhưng chỉ 10 trong số đó được hưởng niềm vui trọn vẹn.
Diego Maradona (Argentina) 1979 – 1986. Năm 1979, Maradona dẫn đầu dàn sao trẻ Argentina tham dự giải FIFA Youth Championship (tiền thân của FIFA U20 World Cup) tổ chức lần thứ 2 tại Tokyo Nhật Bản. Đó là giải đấu mà Argentina như đến từ một hành tinh khác. Họ vô địch với 6 trận toàn thắng, ghi 20 bàn và để thủng lưới chỉ 2 bàn. Riêng “Cậu bé vàng” có cho mình 6 bàn thắng. Bảy năm sau, Maradona cùng Argentina lên ngôi vô địch thế giới tại Mexico 86.
Bebeto (Brazil) 1983 – 1994. Bebeto mang áo số 10 tại FIFA Youth Championship 1983, thế nhưng ông chỉ ghi được 1 bàn tại giải đấu và lép vế hoàn toàn trước người đồng đội Geovani (ghi 6 bàn, trở thành vua phá lưới và cầu thủ xuất sắc nhất giải). Dù vậy, Bebeto lại có sự nghiệp bóng đá ổn định hơn. Ông tham dự 3 kỳ World Cup cùng đội tuyển Brazil và lên ngôi năm 1994.
Dunga (Brazil) 1983 – 1994. Cựu HLV Brazil là một trong những trung vệ xuất sắc ở giải đấu năm 1983, ông cũng có riêng cho mình một bàn thắng. Mười một năm sau, ông hoàn tất cú đúp Wolrd Cup cùng Brazil. Trong lễ nhận giải, chính Dunga là người đầu tiên nâng cao chiếc cúp cho đội bóng Samba với băng đội trưởng trên tay.
Jorginho (Brazil) 1983 – 1994. Thêm một hậu vệ của Brazil trong đội hình xưng vương năm 1983 của Brazil. Dù không nổi bật như Bebeto hay Dunga, nhưng Jorginho cũng góp công không nhỏ cho chức vô địch. Ông thi đấu toàn bộ 6 trận trong giải. Cũng như hai người đồng đội của mình, Jorginho nâng cúp thế giới trên đất Mỹ sau đó 11 năm.
Muller (Brazil) 1985 – 1994. Ông là một trong những siêu sao tấn công của Brazil tại giải đấu diễn ra tại Liên Xô năm 1985. Muller ghi 3 bàn, đồng danh hiệu vua phá lưới cùng với 2 người đồng đội Balalo, Gerson và 4 cầu thủ khác. Trên đất Mỹ năm 1994, Muller chỉ cần thi đấu 9 phút trong trận gặp Cameroon để nâng cao cúp vàng cùng Brazil.
Claudio Taffarel (Brazil) 1985 – 1994. Ông được xem là thủ môn xuất sắc nhất trong các kỳ World Cup của đội tuyển Brazil khi lên ngôi vô địch 1994 và Á quân 1998. Bên cạnh đó, Taffarel cũng là thủ môn số một trong dàn sao trẻ U20 Brazil lên ngôi năm 1985.
Dida (Brazil) 1993 – 2002. Thêm một thủ môn của Brazil. Dida giữ sạch lưới 4 trong 6 trận tại FIFA Youth Championship 1993. Thủ môn AC Milan là cầu thủ duy nhất trong thế hệ U20 Brazil vô địch năm 1993 được nâng cao chiếc cúp vàng. Năm 2002, cùng những Ronaldo, Ronaldinho, Rivaldo, anh trở thành nhà vô địch thế giới trên đất Nhật Bản.
Iker Casillas (TBN) 1999 – 2010. Ở tuổi 16 Thánh Iker đã góp mặt trong đội U17 TBN và giành vị trí thứ 3 tại giải U17 thế giới năm 1997. Hai năm sau đó, anh tiếp tục cùng U20 TBN tham dự giải U20 tại Nigeria và lên ngôi vô địch. Với những bước khởi đầu vững chắc, anh nhanh chóng trở thành thủ môn số 1 của đội tuyển quốc gia, tham dự 4 kỳ World Cup và có chức vô địch thế giới năm 2010.
Carlos Marchena (TBN) 1999 – 2010. Marchena là trung vệ trụ cột trong đội hình U20 TBN vô địch năm 1999. Tiếp tục giữ vững phong độ, trung vệ từng thi đấu cho Valencia và Villarreal góp tên trong thế hệ vàng TBN lên ngôi thế giới tại Nam Phi năm 2010.
Xavi (TBN) 1999-2010. Xavi đã mang tố chất nhạc trưởng kể từ khi còn trong lứa tuổi U20. Anh đóng góp 2 bàn thắng cùng màn trình diễn ấn tượng trong chức vô địch U20 tại Nigeria. Hơn 10 năm sau đó, anh cùng hai người bạn “đồng trang lứa” Casillas và Marchena giúp TBN lần đầu tiên nâng cao chiếc cúp vàng thế giới danh giá.