Guardiola vs Conte: Cuộc gặp cuối của hai thiên tài
Premier League thực sự được nâng cấp và phong phú thêm kể từ khi có Pep Guardiola cùng Antonio Conte, hai HLV thiên tài, bị ám ảnh suốt đời bởi những tư duy chiến thuật nhưng cũng sở hữu triết lý cũng như tính cách trái ngược. Thật tiếc khi có thể, đây sẽ là lần cuối họ chạm trán nhau tại Anh.
Khác biệt về quan niệm, triết lý…
Lần đầu tiên Pep Guardiola và Antonio Conte gặp nhau là tháng 12/2016. Hôm ấy cũng tại Etihad, trái ngược với sự chỉ đạo điềm đạm của Guardiola, Conte tựa như con sư tử không ngừng đi lại trên đường pitch. Với chiếc bờm dựng ngược, nó chỉ trực lồng lên và thét những tiếng gầm chói tai sau mỗi pha bóng.
Sau trận đấu, Pep nói: “Man City đã chơi rất tốt, và những gì thể hiện sau một giờ mang tới cái nhìn lạc quan về tương lai đội bóng”. Conte thì không lạc quan như vậy. Ông cho biết: “Đó là một trận đấu khó khăn và Chelsea còn rất nhiều điều phải cải thiện”. Nếu vô tình quên đi kết quả và thông qua các phản ứng trên, không ít người nghĩ rằng Man City là đội chiến thắng còn Chelsea đã thua trận đấu đó. Thực ra thì ngược lại. Chelsea thắng 3-1. Tất cả chỉ cho thấy sự tương phản giữa Pep và Conte, về tính cách cũng như quan niệm bóng đá.
Dù rơi vào bất cứ hoàn cảnh nào thì cũng dễ nhận ra, nhất là khi cả hai đứng cạnh nhau sự khác biệt khiến cá tính của họ càng được nhấn mạnh. Trong khi Guardiola như một giáo sư cố gắng truyền bá tư tưởng vị nghệ thuật cho các học trò thì Conte là vị tướng quân đội cuồng tín, mong muốn thiết lập một đội ngũ hiếu chiến và tàn nhẫn.
Ngay từ khi còn là cầu thủ, Guardiola và Conte đã rất khác nhau. Cùng đá tiền vệ song Guardiola thiên về kiến thiết và tổ chức, Conte lại chuyên trách phòng thủ và phá vỡ lối chơi của đối thủ. Điều này góp phần lý giải ở hàng tiền vệ Man City và Chelsea hiện tại: nếu như Fernandinho rất giỏi trong điều phối bóng thì N’Golo Kante là ông vua tắc bóng và đánh chặn.
Ngoài sự đối nghịch về xuất phát điểm, yếu tố quyết định hình thành nên triết lý của Pep và Conte là việc họ lớn lên với những trường phái tư tưởng khác nhau. Sơ đồ yêu thích của HLV người Tây Ban Nha là 4-3-3, vốn được ông thầy cũ Johan Cruyff triển khai tại Barcelona mà Guardiola từng là đội trưởng. Chiến lược gia người Italia hiện gắn bó với hệ thống 3-5-2, hoặc được tinh chỉnh thành 3-4-2-1, như một sự kế thừa Marcello Lippi – người giúp Juventus của Conte đoạt 5 Scudetto và 1 Champions League.
… và cách triển khai, cũng như kết cục
Với Guardiola, việc bố trí 3 tiền vệ trung tâm có ý nghĩa then chốt. Ông luôn cố gắng chiếm ưu thế, đầu tiên về mặt quân số, ở khu trung tâm để sau đó khống chế trận đấu. Mùa trước gặp Barca tại Nou Camp, Pep sử dụng Kevin De Bruyne ở vị trí “số 9 ảo” chỉ để cầu thủ người Bỉ trở thành tiền vệ thứ 4, tương tự như khi Lionel Messi giúp tạo thành viên kim cương ở hàng tiền vệ thời ông còn dẫn dắt Barca.
Conte thì thích ý tưởng 2 tiền vệ, như đã nói, liên quan tới Lippi, và sau này được củng cố với Arrigo Sacchi, người đưa Conte vào ĐT Italia. Sự kết hợp giữa Kante và Tiemoue Bakayoko mùa này, hoặc với Nemanja Matic mùa trước, tương tự như cặp Demetrio Albertini và Dino Baggio tại World Cup 1994. Họ có những phẩm chất riêng biệt và bổ sung hoàn hảo cho nhau, một lịch lãm, chịu trách nhiệm tổ chức và điều chỉnh thế trận, một là mỏ neo càn quét và giết chết sự lãng mạn.
Ở mùa này Conte thường xuyên bố trí 3 tiền vệ trung tâm, song chính điều này lại làm nổi bật sự khác biệt với Pep: sẵn sàng từ bỏ thói quen để phục vụ nhu cầu chiến thuật, đặc biệt để gia tăng tính năng phòng thủ. Điều này đã được cựu trung vệ Martin Keown chỉ ra ở mùa trước: “Pep quá trung thành với các ý tưởng và thiếu thực dụng, vì vậy mất nhiều thời gian để phát triển triết lý của mình”. Còn thứ bóng đá của Conte không nhiều khái niệm, chỉ đề cao tính tổ chức và có thể biến thiên tùy tình hình hay thực tế cầu thủ.
Ví dụ như về sở hữu bóng. Chelsea giành chiến thắng 3-1 mùa trước dù chỉ cầm bóng 40% và sau đó, vô địch Premier League với bình quân 54% thời gian cầm bóng mỗi trận, trong khi Man City luôn vô đối về khía cạnh này, mùa trước là 61% và hiện tại là 66% mỗi trận.
Hai hệ tư tưởng khác biệt được triển khai bởi hai bộ óc thiên tài khiến các cuộc đối đầu giữa Man City và Chelsea luôn hấp dẫn cao độ, cũng như khó đoán. Thật tiếc khi có thể đây là lần cuối họ gặp nhau tại Premier League, bởi khi Pep bắt đầu gặt hái thành quả thì công trình của Conte lại sụp đổ sau thời gian phát triển nóng.
- Son Heung-Min: Giải Oscar cho “chàng kép phụ”
- CĐV Arsenal đừng vội mừng: Wenger chưa đầu hàng
- Vì Matic và Costa, Chelsea có mùa giải tồi tệ
- Ibrahimovic háo hức trước viễn cảnh sang Mỹ chơi bóng
- Son Heung-Min tỏa sáng, Tottenham nhẹ nhàng vượt ải Huddersfield
- Sau tất cả, De Gea đã có quyết định về tương lai ở Man United?
- Sau kì nghỉ lễ, HLV Park Hang-seo trở lại với lịch trình dày đặc
- Atletico Madrid đại chiến Barcelona: Cả La Liga nín thở
- Tiết lộ hợp đồng tiền tấn của Neymar với Nike
- Tân binh Thổ Nhĩ Kỳ nổ súng, Everton vẫn thất thủ trước ngựa ô