Chơi không thuyết phục ở vòng bảng nhưng U23 Uzbekistan đã lột xác khi bước vào loạt trận knock-out. Giờ đây, họ chính là ứng cử viên số 1 cho ngôi vương tại giải.
Ở vòng bảng, Uzbekistan không cho thấy dấu hiệu nào của một ứng cử viên vô địch. Cả vòng bảng họ chỉ ghi 2 bàn, tung ra 9,3 cú dứt điểm mỗi trận. Bên cạnh đó, U23 Uzbekistan cũng phải nhận 11,3 cú dứt điểm mỗi trận dù chỉ thủng lưới 1 bàn. Đội bóng Trung Á cũng không kiểm soát bóng quá nhiều với thời lượng trung bình chỉ là 44%, thậm chí trận gặp U23 Trung Quốc con số này chỉ là 35,9%. Hai cánh cũng là hướng tấn công chủ yếu của đội bóng này khi tỷ lệ những pha lên bóng ở trung lộ chỉ là 21%.
Nhưng U23 Uzbekistan đã có sự thay đổi lớn khi bước vào vòng knock-out gặp 2 đối thủ rất mạnh là U23 Nhật Bản và U23 Hàn Quốc. Từ lối chơi tập trung chủ yếu ở 2 cánh, U23 Uzbekistan đã có nhiều pha lên bóng ở trung lộ hơn khi con số này tăng lên 27%. Những bàn thắng của U23 Uzbekistan cũng xuất hiện nhiều hơn từ trung lộ. Ba bàn thắng đầu tiên của U23 Uzbekistan ở trận bán kết với U23 Hàn Quốc đều được triển khai theo kiểu đánh vỗ mặt hàng phòng ngự đối thủ. Hai bàn trong trận với U23 Nhật Bản cũng là những đường chuyền dài từ giữa sân.
U23 Uzbekistan cũng trở thành đội chơi kiểm soát bóng ở vòng knock-out. Họ tung ra tổng cộng 1361 đường chuyền, kiểm soát bóng trung bình lên tới 61%. Con số này là sự trái ngược với vòng bảng (chỉ là 44%), và cũng nhiều hơn tất cả các đội góp mặt tại bán kết.
Kiểm soát bóng đồng nghĩa với việc U23 Uzbekistan dồn ép đối phương. Cả 2 trận đấu với U23 Nhật Bản và U23 Hàn Quốc đều chứng kiến thầy trò HLV Ravshan Khaydarov dâng đội hình lên rất cao. Bản đồ nhiệt cho thấy trận đấu với U23 Nhật Bản, phần nhiệt của U23 Uzbekistan dâng lên quá 2/3 sân và ôm rất sát vòng cấm địa đối phương. Thậm chí trận đấu với U23 Hàn Quốc, phần nhiệt của U23 Uzbekistan còn lấn nhiều vào vóng cấm của đối thủ. Có thể nói, từ một đội bóng chơi chịu trận, U23 Uzbekistan đã chuyển mình trở thành đội dồn ép, kiểm soát bóng và chơi cửa trên.
Với 8 bàn thắng ghi được sau 2 trận tứ kết và bán kết, U23 Uzbekistan không còn nghi ngờ gì đang là đội bóng tấn công mạnh nhất giải. Mỗi trận tại vòng knock out họ tung trung bình ra 20 cú sút, 20% trong số đó là bàn thắng. Bên cạnh đó, cứ 27 phút là U23 Uzbekistan lại một lần làm tung lưới đối thủ. U23 Uzbekistan cũng có nhiều cầu thủ ghi bàn. Nếu tính cả giai đoạn vòng bảng, đội bóng Trung Á đã có 8 cầu thủ lập công.
Ở vòng knock-out, các cầu thủ U23 Uzbekistan đặc biệt nguy hiểm ở phút từ 31 – 60 và cả thời gian thi đấu hiệp phụ. Bốn bàn thắng đã được ghi từ phút 31 đến 45, 1 bàn từ phút 45-60. Thời gian thi đấu hiệp phụ là 3 bàn. Do đó, hàng phòng ngự U23 Việt Nam cần rất tập trung ở những thời điểm kể trên, và cả hiệp phụ (nếu có).
Hàng phòng ngự của U23 Uzbekistan cũng không còn để đối phương gây sức ép như những trận vòng bảng. Hai trận tứ kết và bán kết, U23 Uzbekistan chỉ phải nhận 1 bàn thua. Con số này ngang với 3 trận vòng bảng, nhưng các đối thủ chỉ tung ra được trung bình 5 cú sút mỗi trận về phía khung thành của thủ môn Botirali Ergashev. Với 2 bàn thua, U23 Uzebekistan đang là đội phòng ngự hay nhất tại giải.
Cầu thủ nguy hiểm nhất bên phía U23 Uzbekistan là Jasurbek Yakhshiboev. Mới chơi 4 trận nhưng cầu thủ này đã có 3 bàn thắng, trung bình 108 phút anh lại ghi 1 bàn. Tỷ lệ cú sút thành bàn là 33%, tức tung ra 3 cú sút thì gần như sẽ có bàn thắng. Yakhshibev chơi tiền đạo cánh phải, và người đối đầu với anh là Vũ Văn Thanh sẽ có một trận đấu dự đoán rất vất vả.
Xét tổng thể, U23 Uzbekistan đang có những chỉ số vượt trội U23 Việt Nam. Ghi nhiều bàn hơn, thủng lưới ít hơn, kiểm soát bóng nhiều hơn… Có thể nói, U23 Việt Nam sẽ phải đối đầu với ứng cử viên vô địch số 1 ở trận đấu tới.