Champions League “tóe lửa”: Có Ronaldo, vẫn nhớ MU
Vòng tứ kết Champions League khép lại với đầy ắp những cung bậc cảm xúc, Những màn ngược dòng thót tim. Những quyết định phân xử của trọng tài gây chia rẽ thế giới bóng đá…
Những quả penalty. Những pha xử lý lóng ngóng đốt lưới nhà. Những bàn thắng được ghi trong tư thế việt vị. Những ngôi sao bước tới đỉnh cao (Cristiano Ronaldo, Paulo Dybala, Kylian Mbappe) trong khi những ngôi sao khác chìm xuống đáy (bộ ba “MSN” của Barcelona). Như thế liệu đã đủ?
Bản lĩnh của những ông lớn
Chưa. Chắc chắn là chưa. Bởi vì Champions League là đỉnh cao nhất của bóng đá thế giới cấp độ câu lạc bộ nên vòng tứ kết nói riêng và cả hành trình giải đấu năm nay nói chung vẫn còn thiếu một chút gì đó.
“Chút gì đó” ở đây là bản lĩnh, độ lì lợm, sự già dơ của những đội bóng lớn. Một Champions League “bội thực” bàn thắng có thể mang lại cảm giác đã mắt cho các fan. Khi mà Juventus dễ dàng đánh bại Barcelona 3-0 ở Turin.
Khi mà Real Madrid thắng lớn Bayern Munich bằng tỷ số 6-3 không tưởng. Khi mà cặp đấu Monaco – Dortmund cũng có tổng tỷ số “điên rồ” hệt như thế: 6-3…
Nhưng đó không phải là một Champions League lý thú trong mắt những người hoài niệm. Real Madrid đã đánh bại được Bayern, khắc tinh lớn nhất ở Cúp châu Âu, nhưng ngoại trừ “con Kền kền chúa” Cristiano Ronaldo, có ai biết ghi bàn cho đội bóng Madrid?
Bayern là kẻ chiến bại và họ vẫn còn đang than thân trách phận. Người Munich đổ lỗi cho trọng tài, cho tấm thẻ đỏ sai lầm, cho những bàn thua được ghi ở thế việt vị… Nhưng trước khi đổ lỗi, Bayern liệu có tự nhìn lại để thấy mình đã phòng ngự tệ ra sao, đã ngờ nghệch thế nào trong những tình huống để Ronaldo thoát xuống đánh đầu hoặc đệm bóng cận thành?
Đó dứt khoát không phải một “Hùm xám” lì lợm mà chúng ta vẫn biết. Một Bayern không bao giờ bỏ phí cơ hội trong những tình huống then chốt. Ấy là khi Arturo Vidal đứng trước chấm phạt đền và sút hỏng ở trận lượt đi. Nếu cơ hội ấy được Vidal chuyển hóa thành bàn thắng, Ronaldo cùng tập thể Real có lẽ đã phải làm khán giả ở vòng bán kết và Bayern đã phá tan cái dớp 3 năm liên tiếp bị loại ở bán kết bởi các đại diện Tây Ban Nha.
Đã có những người đặt ra câu hỏi: Tại sao trong một tập thể nhiều cầu thủ Đức – những chuyên gia đá 11m lạnh lùng nhất thế giới thì người thực hiện quả phạt đền then chốt lại là một ngôi sao Chile?
Lượng nhiều, thiếu chất
Như chúng ta đã biết, Barcelona của Pep Guardiola (và xa hơn là Barca của Johan Cruyff) luôn xây dựng lối chơi bắt đầu từ vị trí thủ môn. Bóng được thủ môn chuyền chuẩn xác cho hậu vệ, những người sẽ đưa bóng cho các tiền vệ – những vị đạo diễn tài ba của trận đấu. Họ sẽ luân chuyển bóng hết sức nhịp nhàng trước khi tung một đường chuyền “chết người” cho tiền đạo ghi bàn.
Barca của Pep giai đoạn 2009 – 2011 có lẽ sẽ mãi là hình mẫu tiêu biểu của bóng đá qua mọi thời đại. Họ vừa mạnh mẽ lại hết sức cân bằng. “Cân bằng” là thứ mà Barca của Luis Enrique đã hoàn toàn đánh mất, khi mà các tiền vệ và thậm chí các hậu vệ mỗi khi có bóng chỉ chăm chăm chuyền nhanh nhất có thể cho bộ ba “MSN” mặc sức xoay xở.
Giữ trái bóng trong tầm kiểm soát là khao khát lớn nhất của Barcelona. Khi đánh mất đi niềm khát khao ấy, họ trở nên dễ đoán hơn và không còn khiến đối thủ nể sợ.
Nhạt nhẽo là hương vị chung của vòng knock-out Champions League dù những con số có thể đánh lừa người hâm mộ. Một Arsenal yếu nhất sau nhiều năm trở thành tấm bia tập bắn cho Bayern (tổng tỷ số 10-2) rồi chính Bayern ấy phô bày sơ hở ở hàng thủ khi đối đầu Real Madrid.
Cùng có 12 bàn thắng là cặp đấu Man City – Monaco (6-6). Xem các trận đấu của họ thấy toàn bằng thắng là bàn thắng. Nó có thể gây hứng khởi cho khán giả trong tức thời nhưng chẳng đọng lại chút gì về chiến lược và chiến thuật.
Sự hứng khởi cũng đã được PSG tạo ra khi họ xuất sắc đánh bại Barcelona 4-0 ở Paris nhưng trận thua ngược 1-6 tại Nou Camp lại khiến tất cả phải ngao ngán.
Một Champions League nhiều lượng nhưng thiếu chất! Ở giai đoạn 2007-2011 khi những MU, AC Milan, Liverpool, Chelsea còn xưng hùng xưng bá bên cạnh Barcelona, Bayern Munich, Real Madrid…, vòng knock-out Champions League rất hiếm những tỷ số hủy diệt, những cơn mưa bàn thắng hay những màn ngược dòng điên rồ.
Nhưng Champions League thời kỳ ấy hoàn toàn không thiếu cảm xúc. Nó vừa hấp dẫn lại vừa khiến khán giả thán phục bởi chiến thuật cao tay và bản lĩnh của những ông lớn.
Champions League mùa này “thiếu muối” cũng bởi sự vắng mặt của bộ tứ MU, AC Milan, Liverpool, Chelsea, trong khi Arsenal – thành viên còn lại của “Big Four” nước Anh ngày nào thì trở nên kiệt quệ.
Mùa giải tới có thể sẽ rất khác. Liverpool, Chelsea và MU nhiều khả năng sẽ trở lại. Barca sẽ phải cải tổ khi đã đi tới điểm giới hạn của một chu kỳ. Một Bayern già cỗi cũng sẽ phải chuyển giao lực lượng.
Và từ nước Ý, Inter và AC Milan có thể sẽ hồi sinh nhờ nguồn đầu tư mới để trở lại Cúp châu Âu từ mùa 2018-19. Đó cũng là thời điểm mà Serie A sẽ có 4 đại diện dự Champions League. Calcio, nơi tụ hội của nhiều trường phái bóng đá sẽ hồi sinh!
- Top 6 ngôi sao Brazil đang khuynh đảo bóng đá châu Âu mùa này
- Xuất hiện thế lực ngầm chống Ronaldo ở Real Madrid
- Vì sao U20 Argentina đưa đội hình B đến Việt Nam?
- Wenger: ‘Chúng tôi muốn Mbappe nhưng không có tiền’
- Điểm tin chiều 27/4: Mourinho chốt tương lai 2 trụ cột; Transfermarkt định giá Công Phượng, Xuân Trường
- Nadal: Có trường sinh vĩ đại như Federer?
- Liều lĩnh như bà bầu Serena: Đánh cược sinh mạng
- Đội hình derby Manchester: Aguero đá cặp với Rashford
- Thắng trận tái xuất, Sharapova vẫn bị gọi là ‘kẻ lừa dối’
- Messi không có đối thủ ở châu Âu