Bầu Đức, “lúa non” hay “quả ngọt”?
Bóng đá Việt trước thềm Đại hội ầm ĩ với những tuyên bố và cả “tuyên chiến” của ông bầu quyền lực Đoàn Nguyên Đức.
Toàn những chuyện “đao to búa lớn” nên một chuyện nhỏ, như thất bại nữa của lứa U.19 HAGL với quân của Học viện HAGL – niềm tự hào của bầu Đức, chẳng mấy ai quan tâm…
Bầu Đức từng tự hào rằng HAGL đang có những lớp cầu thủ kế cận còn hay, tốt và xuất sắc hơn lứa của Công Phượng, Xuân Trường… Thế nhưng sau chức vô địch giải U.15 Quốc gia năm 2016 thì đào tạo trẻ của Học viện
HAGL dường như “mất tích” trên bản đồ thành tích bóng đá trẻ Việt Nam.
HAGL “gặt lúa non” hay là…
Được biết, lứa cầu thủ khóa III của Học viện HAGL chỉ tuyển được 4 học viên ở đợt tuyển sinh đầu tiên vào năm 2013. Tiếp đó Học viện bổ sung thêm 10 cái tên cũng trong năm đó để hoàn tất lứa cầu thủ khóa III và đi vào tập luyện.
Sở dĩ HAGL gặp trở ngại trong việc tuyển sinh là bởi một số địa phương không cho phía HAGL vào tuyển người. Đây cũng là giai đoạn mà một số lò đào tạo khác như PVF, Viettel, Hà Nội cũng tuyển sinh rầm rộ. Cái hơn của những lò đào tạo này so với HAGL đó là luôn có vệ tinh ở rất nhiều tỉnh thành để phát hiện cũng như tuyển các học viên khi nhận thấy có tiềm năng.
Đầu vào hạn chế, nên HAGL khá bị động trong việc ổn định lực lượng khi tham dự những giải trẻ trong nước. Hầu như họ phải đôn các cầu thủ ít tuổi hơn lên tham gia các giải trẻ để tránh nhận án phạt theo quy định của VFF, nên dần dần thành tích của HAGL cũng vì thế mà mai một.
Tính từ chức vô địch U.15 tại An Giang vào năm 2016, thì những năm trở lại đây HAGL “mất tích” trên bản đồ thành tích của bóng đá trẻ trong nước. Nguyên nhân cũng bởi lực lượng kế thừa của HAGL là khá mỏng so với những lò đào tạo trẻ khác trong nước. Với khóa III của Học viện HAGL, lứa cầu thủ mà bầu Đức từng tự hào là sẽ hay hơn cả lứa đàn anh Công Phượng thì họ lại không thể hiện được như những gì bầu Đức hy vọng.
Việc lứa cầu thủ này trắng tay ở cả hai giải U.19 QG và U.19 quốc tế khiến cho NHM đặt dấu hỏi hoài nghi về khả năng các lứa sau khóa I. Ví dụ ngay ở giải U.19 quốc tế do Gia Lai đăng cai, U.19 HAGL cũng không để lại dấu ấn khi mới chỉ có được 1 điểm sau 3 trận đấu.
Trước đó, ở giải U.19 Quốc gia thì đoàn quân do HLV Graechen dẫn dắt cũng không qua được vòng loại, dù đối thủ của họ cũng chỉ là những đội bóng không được đánh giá cao. Một năm trước, lứa cầu thủ này với sự bổ sung của những gương mặt của khóa II như Thanh Hậu, Hoàng Nam… cũng chỉ giành HCĐ ở giải U.19 Quốc tế.
Theo lý giải của HLV Graechen thì lứa cầu thủ này không hoàn toàn tốt hơn những cầu thủ ở khóa I và khóa II, nếu so sánh ở cùng lứa tuổi. Thậm chí, kỹ năng của các cầu thủ khóa III còn kém rất nhiều.
“Các cầu thủ sợ chơi bóng, không dám tổ chức lối chơi, không duy trì được tính kỷ luật. Lứa cầu thủ khóa III hoàn toàn không bằng khóa I, II của Công Phượng, Văn Toàn, Văn Thanh… Các thành viên U.19 hiện tại ăn tập cùng tôi ít hơn, tư duy chơi bóng vì thế cũng không bằng thế hệ đàn anh…” – HLV Graechen thú nhận.
Bầu Đức có đang “hái quả ngọt”?
Ở cùng độ tuổi 17-18, rõ ràng lứa U.19 HAGL của khóa III không để lại nhiều ấn tượng như thế hệ đàn anh. Bản thân HLV Graechen thì hy vọng thế hệ này vài năm tới sẽ phát huy hết khả năng để có thể hiểu được triết lý chơi bóng của ông, cũng như đáp ứng đủ mọi yếu tố cần thiết để trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp.
Trao đổi với chuyên gia Nguyễn Văn Vinh – cựu GĐKT CLB HAGL – ông cho biết, các lứa cầu thủ trẻ của HAGL này cần thêm nhiều thời gian để có thể hoàn thiện kỹ năng chơi bóng.
“Hầu như các lứa cầu thủ sau này của HAGL vẫn giữ được truyền thống vốn có của CLB, đó là lối chơi kỹ thuật và phối hợp khá bài bản. Nhìn chung đào tạo trẻ của HAGL vẫn duy trì được truyền thống, cùng với đó là bổ sung thêm nhưng giáo án mới kết hợp với chế độ dinh dưỡng để cầu thủ phát triển toàn diện” – ông Vinh cho biết.
Tuy vậy, ông cũng chỉ ra những hạn chế của HAGL khi tham dự những giải trẻ: “Các em hầu như thua kém đối thủ về tuổi tác, kém hơn cả chiều cao lẫn cân nặng thành ra thua thiệt về thể lực, sức mạnh khi tranh chấp. Bóng đá trẻ khác với bóng đá chuyên nghiệp, thua 1-2 tuổi đã là cả vấn đề rồi nên thành ra việc đôn các cầu thủ nhỏ tuổi tham dự những giải đấu trẻ sẽ khiến HAGL thiệt thòi hơn về mặt thành tích”.
Ông Vinh cũng nhìn nhận nếu như những lứa cầu thủ này được đào tạo bài bản, khuôn khổ hơn và đáp ứng đúng với chiến thuật của HLV thì bóng đá trẻ của HAGL không thua kém bất kỳ lò đào tạo nào ở Việt Nam. “Cần có định hướng đúng đắn để HAGL vẫn luôn là lò đào tạo trẻ số 1 ở Việt Nam” – ông Vinh khẳng định.
Nếu xét về nhiều khía cạnh, đào tạo trẻ của Học viện nhà bầu Đức vẫn có những bước tiến, ít nhất là vài năm gần đây, HAGL có thể tham gia hầu như tất cả các giải trẻ, thậm chí cho mượn quân cho các tỉnh khác thi đấu chứ không vắng mặt do không có quân. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy trừ lứa đầu tiên “làm mưa, làm gió” với nhiều yếu tố may mắn ngay từ khâu tuyển sinh, các khóa sau Học viện HAGL của bầu Đức đã, đang gặp vấn đề mà những gì thể hiện ở trên sân cỏ với những thất bại là “điều trông thấy”…
- Nhận định Newcastle vs Huddersfield, 21h00 ngày 31/03: Niềm tin vững chắc
- Nhận định Bologna vs AS Roma, 17h30 ngày 31/3: Xây chắc top 3
- Nhận định Hannover vs RB Leipzig, 20h30 ngày 31/3: Sớm trụ hạng
- Nhận định Stuttgart vs Hamburg, 20h30 ngày 31/3: Điểm tựa sân nhà
- Nhận định Crystal Palace vs Liverpool 18h30, 31/03: Bàn đạp cho Champions League
- Nhận định MU vs Swansea, 21h00 ngày 31/03: Thiên nga làm khó Quỷ đỏ
- Nhận định Brighton vs Leicester City, 21h00 ngày 31/03: Khôn nhà dại chợ
- Nhận định Watford vs Bournemouth, 21h00 ngày 31/03: Niềm vui sân nhà
- Nhận định West Ham vs Southampton, 21h00 ngày 31/03: Chung kết ngược
- Nhận định Schalke vs Freiburg, 20h30 ngày 31/03: Nối dài mạch thắng