Muốn vượt vũ môn, U20 Việt Nam cần phải làm gì?

3 trận, 1 điểm, 0 bàn thắng, đó là tất cả những gì mà U20 Việt Nam mang về từ Hàn Quốc. Bị loại, buồn chứ, nhưng buồn hơn tất cả là khi nghĩ đến viễn cảnh, các em sẽ quay về với “văn hóa” V-League.

“Quần hùng” đang tranh luận dữ dội sau khi U20 Việt Nam dừng chân tại vòng bảng World Cup U20. Khen có, chê có, chỉ trích thậm tệ cũng có, tuy nhiên, muốn thành công, các học trò của ông Hoàng Anh Tuấn buộc phải lắng nghe tất cả.

Các chàng trai áo đỏ đã chơi bóng với 200% sức lực.

Với tư cách một người yêu bóng đá Việt Nam lâu năm, tôi nghĩ trước khi dự giải, mục tiêu của chúng ta là cọ xát, vậy đả kích các cầu thủ trẻ có ích gì sau khi họ đã vắt kiệt sức trên đất Hàn Quốc. Cái tôi lo nhất là đội tuyển ra sao khi về lại “văn hóa” V-League.

Như HLV Hoàng Anh Tuấn đã từng đề cập: “Đến Minh Dĩ lên tuyển mới được đá chính. Về VPF còn ngồi dự bị cơ mà.” Câu nói nói này khẳng định triết lí: “U20 Việt Nam chỉ có một ngôi sao trên ngực”, không ai được ưu tiên, người có phong độ tốt nhất sẽ ra sân. Mặt khác, nó cũng chỉ ra một thực tế đáng buồn, ở lò VPF các cầu thủ U20 đã phải khổ cực tranh suất đá chính, thì những Thanh Bình, Trần Thành làm sao cạnh tranh sòng phẳng với Hoàng Vũ Samson hay Gaston Merlo.

Chúng ta đã dành quá nhiều đất cho những ngoại binh. Vì thành tích, vì danh hiệu, các đội bóng ở V-League luôn ưu tiên hai suất ngoại binh cho những cầu thủ trên hàng công. Tích cực mà nói, nó gia tăng chất lượng của giải đấu lên đáng kể. Tất nhiên, các khán giả sẽ hào hứng đến xem một trận đấu có 4,5 bàn thắng, thay vì xem một trận hòa không bàn thắng tẻ nhạt. Nhưng điều này vô tình lại đẩy bóng đá trẻ đến bờ vực nguy hiểm. Không hiểu, khi Merlo bình phục chấn thương, trung phong Hà Đức Chinh có còn được ông Lê Huỳnh Đức trọng dụng?

Thật tiếc khi U20 Việt Nam không có bàn thắng nào ở giải.

Chưa kể, các cầu thủ trẻ rất cần ăn tập với nhau một khoảng thời gian dài. Vậy chúng ta đã có giải gì hậu World Cup cho những Quang Hải, Hoàng Nam? Như truyền thống, cả đội sẽ giải tán, các cầu thủ trở về CLB chinh chiến. Cứ đà này, những trải nghiệm của họ thu được ở Hàn Quốc sẽ nhanh chóng rơi vào quên lãng. Các chân sút trẻ cần được thi đấu thường xuyên để giữ lửa. Với họ, được ra sân vào mỗi dịp cuối tuần mới là quan trọng nhất, chứ không hẳn là đá cho CLB nào, được định giá bao nhiêu tiền.

Cuối cùng, trong lúc tôi đang tư lự tìm câu trả lời, các cầu thủ U20 Việt Nam đã trở về nước, không kèn không trống. Họ thực sự là những người hùng của dân tộc, song những gì nhận lại có vẻ “bạc”. Nhưng thôi, khi người Việt Nam còn trọng thành tích, còn làm bóng đá theo kiểu “ăn xổi ở thì”, những chàng trai áo đỏ hãy còn chịu những bất công dài dài.

Bài liên quan