Giải mã khả năng bắt Pen của Tiến Dũng: “Có công mài sắc có ngày nên kim”

Người gác đền của ĐT U23 Việt Nam đang trên đường trở thành chuyên gia cản phạt đền. Anh sử dụng những phương pháp rất cơ bản để nắm bắt đối thủ.

Tính cả loạt sút luân lưu, Tiến Dũng đã cản thành công 4 quả 11 mét tại giải U23 châu Á năm nay, trực tiếp mang về 2 chiến thắng quan trọng cho tuyển U23 Việt Nam. Thủ thành sinh năm 1997 là ứng viên nặng ký nhất cho danh hiệu thủ môn hay nhất giải.

‘Hung thần’ nhiều mưu mẹo

Trong 4 lần đánh bại đối phương, Tiến Dũng có 2 lần bắt gọn quả bóng, đó là màn bắt bài Yoon Seung Won (U23 Hàn Quốc) ở vòng bảng rồi đến Bashar Resan (U23 Iraq) ở tứ kết.

Với Yoon Seung Won, Tiến Dũng dễ dàng nắm ý đồ để biến đối thủ Hàn Quốc thành gã hề. Đối mặt với đội trưởng Bashar Resan của U23 Iraq trên chấm 11 mét, Dũng dùng chiêu trò cơ bản của giới thủ môn để đánh lừa đối thủ. Anh chủ động thực hiện loạt động tác giậm chân, lắc hông để khiến Resan tin là mình sẽ bay trước. Nhưng khi Resan lao tới và ra chân, Tiến Dũng trụ chân đứng yên. Cú lừa của đối thủ khiến đội trưởng U23 Iraq bất ngờ, không kịp điều chỉnh hướng sút và bị Tiến Dũng đánh bại.

Tien dung xuat sac

Tiến Dũng trực tiếp mang về 2 chiến thắng lịch sử cho U23 Việt Nam.

Theo ông Ben Lyttleton, tác giả cuốn “11 m: Nghệ thuật và Tâm lý sút penalty hoàn hảo”, rất nhiều cầu thủ sử dụng phương pháp chờ thủ môn di chuyển rồi mới sút bóng theo hướng ngược lại. Nó có tên “thủ môn – phụ thuộc”.

Đây vẫn được xem là phương pháp đá penalty mang lại nhiều thành công nhất và hiện vẫn được sử dụng rộng rãi bởi nhiều chuyên gia sút phạt đền của bóng đá thế giới, tiêu biểu như Eden Hazard. Đối nghịch với “thủ môn – phụ thuộc” là phương pháp “thủ môn – độc lập”, tức là sút bóng theo ý mình và độc lập hoàn toàn với việc quan sát hướng di chuyển của thủ môn.

Vỏ quýt dày có móng tay nhọn, một số thủ môn lựa chọn cách chờ đợi và buộc đối thủ sút độc lập. Trong trận bán kết Champions League 2011/12, Petr Cech đã nghiên cứu rất kỹ cách đá phạt đền của Messi và biết rằng đối thủ sẽ chờ thủ môn di chuyển trước. Cech biết và không làm như vậy. Anh chờ đợi và buộc Messi sút độc lập. Messi cố gắng đá thật cao để đánh bại thủ môn, nhưng cú đá quá mạnh khiến bóng đi trúng xà.

Cản phạt đền là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất của thủ môn, do khoảng cách giữa điểm đá phạt và khung thành là rất gần cũng như thủ môn không có nhiều thời gian để phản xạ. Phần đông thủ môn thường nhìn cách đối phương chạy đà, chuẩn bị sút bằng chân nào để đổ người trước khi quả bóng bay đi. Tiến Dũng thuộc nhóm còn lại, anh luôn cố gắng đợi đối phương ra chân rồi mới đổ người.

Nhờ phương pháp này, chàng thủ thành “quốc dân” khá giỏi trong phán đoán hướng sút penalty. Dũng đoán trúng hướng cả 4 quả bên phía U23 Qatar trong loạt luân lưu ở bán kết. Nhiều khán giả tiếc nuối vì Dũng đổ người chậm nên không thể cản, nhưng chính vì chờ đối thủ, Dũng mới có thể cản được 2 quả. Mặt khác, sải tay của Dũng không phải là dài nếu xét trên tiêu chuẩn một thủ môn (Tiến Dũng cao 1,81 mét), do đó anh không cản được những cú sút hiểm dù đoán đúng hướng.

Luyện phản xạ bằng bóng tennis

Đi kèm với kỹ năng bắt bóng, phản xạ được coi là yếu tố quyết định cho việc đánh giá năng lực thủ môn. Một thủ môn có phản xạ tốt sẽ có khả năng cứu bàn thua trông thấy cho đội bóng nhiều hơn.

Trong quá trình luyện tập ở CLB Thanh Hóa, thủ môn Tiến Dũng thường tập phản xạ với những quả bóng tennis. Ở cự ly rất gần, HLV thủ môn liên tục ném bóng vào các hướng khác nhau. Quả bóng nhỏ, tần suất cao, cự ly ngắn buộc Tiến Dũng phản ứng thật nhanh.

Tại Real Madrid, thủ môn Keylor Navas cũng được tập phản xạ bằng phương pháp tương tự. “Chúng rất nhỏ, lực đi nhanh và quỹ đạo thẳng nên khó phán đoán”, HLV Juan Ignacio Martinez, người có công đưa Navas đến La Liga chia sẻ về cách tập của cậu học trò cũ.

Bài liên quan