Xin đừng ảo tưởng về đội tuyển Việt Nam

ĐTVN chưa làm hài lòng người hâm mộ trong trận ra mắt của HLV Park Hang-seo, nhưng đó mới thực sự là hình bóng của đội tuyển chúng ta, một đội bóng ở vùng trũng và chưa thể vươn ra châu lục.

Trong bóng đá, một cầu thủ “solo” qua 5, 6 đối thủ và ghi bàn không phải là chuyện hiếm gặp, nhưng không phải cầu thủ nào làm được điều đó cũng ở đẳng cấp của Messi. Đó là điều hiển nhiên. Đội tuyển Việt Nam cũng vậy, chúng ta có thể đá ban bật đẹp mắt, phối hợp biến ảo và chiến thắng vang dội trước các đối thủ như Timor Lester, Campuchia,… thế nhưng không có nghĩa là đội tuyển đã ở trình độ của Barcelona và có thể thi triển “tiki-taka” ở bất kỳ đâu, với bất kỳ đối thủ nào.

viet-nam-0-0-afghanistan-an-mieng-tra-mieng-h2

 Đội tuyển Việt Nam có trận đấu khó khăn trên sân nhà trước Afghanistan. 

Afghanistan có phải đội bóng mạnh hay không? Có lẽ là không, bởi nếu mạnh, họ đã thắng chúng ta ít nhất 3 bàn trong trận đấu trên sân Mỹ Đình vừa qua rồi. Nhưng không thể phủ nhận rằng họ trội hơn chúng ta ở thể hình, thể lực và cách tiếp cận trận đấu. Lối chơi của Afghanistan là rất đơn giản, nhưng nó lại hiệu quả. Họ pressing mạnh mẽ ngay từ giữa sân, áp đảo trung tuyến và chia cắt hoàn toàn các tuyến của đội tuyển Việt Nam. Lối đá áp sát chính là phương thức hiệu quả nhất để đối phó với kiểu phối hợp nhóm nhỏ, ban bật nhiều mà Việt Nam hướng tới. Để vượt qua lối chơi này, bắt buộc các cầu thủ phải phối hợp nhanh hơn, làm sao để khi đối thủ vừa kịp áp sát thì bóng đã chuyền tới cho đồng đội rồi. Nhưng đội tuyển Việt Nam không làm được như thế, các cầu thủ không đủ nhanh để triển khai bóng, không đủ ăn ý để phối hợp, không đủ chuẩn xác khi chuyền bóng và không có thể lực để giữ bóng, vậy nên lối chơi bị vỡ vụn là điều không hề khó hiểu.

Xét cho cùng, ở khu vực Đông Nam Á này chỉ có Thái Lan là vượt trội, nhưng họ vẫn chưa thể “chung mâm” với các ông lớn châu Á khác, chứ đừng nói đến thế giới. Vậy thì bóng đá Việt Nam, trong bối cảnh còn xếp sau người Thái và cạnh tranh mỏi mệt với Indonesia, Malaysia, Singapore,… sao cứ mãi ảo tưởng về mình làm gì? Trình độ của chúng ta chỉ đến thế mà thôi, đừng bắt các cầu thủ ở trận đấu nào cũng phải thể hiện thế này thế kia để chứng tỏ sức mạnh.

Tất nhiên, nói như vậy không phải là người Việt phải “an phận”, nhưng cái gì cũng cần có trình tự thời gian. Thuê một ông HLV nước ngoài về làm việc trong thời gian này, không phải là để “xưng hùng xưng bá”, mà ông ấy sẽ dùng tất cả nhưng gì ông có trong tay để đạt được những mục tiêu có – thể – thực – hiện – được. Và chúng ta hãy tập chấp nhận rằng sẽ có lúc đội tuyển chơi “xấu xí”, sẽ có lúc các cầu thủ đá dưới cơ đối thủ, đó là điều bình thường với một đội bóng yếu.

Còn sau này, khi mà các trung tâm đào tạo theo chuẩn quốc tế mọc lên ngày càng nhiều, các ông bầu đổ tiền vào bóng đá nhiều hơn, các chuyên gia nước ngoài đến với bóng đá Việt nhiều hơn, khi đó chúng ta có quyền hy vọng vào một thế hệ các cầu thủ khắc phục được các khuyết điểm và trở nên mạnh mẽ hơn nhiều lần. Và khi cái nền móng đã vững chắc rồi hãy mơ tưởng đến những gì cao xa, còn bây giờ, hãy bằng lòng với thực tại trước đã.

Bài liên quan