V-League 2018: Đáng chờ đợi nhưng có đáng …xem?

Dù V-League 2018 sẽ có rất nhiều thay đổi tích cực, thế nhưng chừng đó liệu có đủ để kéo người xem đến sân hay đơn giản hơn là ngồi trước TV mỗi cuối tuần.

Mùa giải đáng chờ đợi…

Năm 2018 mới trôi qua ít ngày nhưng V-League đã chứng kiến quá nhiều sự thay đổi lớn. VPF có một bộ sậu mới với người đứng đầu là ông Trần Anh Tú, người vốn được biết đến là “bầu Đức của Futsal” với vô số thành công lớn trong những năm vừa qua. Dù chỉ mới nhậm chức nhưng tân Chủ tịch HĐQT VP và các cộng sự đã phải đối mặt với thách thức rất lớn là tìm nhà tài trợ mới khi Toyota quyết định ngưng đầu tư vào giải đấu số 1 Việt Nam.

VPF gặp khó nhưng những cổ đông của họ, cụ thể là các đội bóng lại đang làm rất tốt công tác quảng bá hình ảnh cho mùa giải mới, đặc biệt là “đại gia” TP. HCM và FLC Thanh Hóa.

Đội bóng của quyền Chủ tịch Công Vinh không tiếc tiền chiêu mộ HLV Miura cùng 7 nội binh mới, trong đó có khá nhiều cái tên nổi bật như Phi Sơn hay tuyển thủ quốc gia Ngọc Thịnh. Ngoài ra, CLB còn có được chữ kí của cựu cầu thủ MU – Rodrigo Possebon, đồng đội của siêu sao Ronaldo giai đoạn 2008 – 2009.

HLV Miura có giúp TP. HCM thay da đổi thịt?

Mới nhất, tiền đạo 21 tuổi, Gustavo Santos đến từ J-League 2 cũng gia nhập đội bóng Sài thành. Đây được coi là bản hợp đồng tâm đắc của quyền chủ tịch Lê Công Vinh. Ngoại binh người Brazil sở hữu kĩ thuật, tốc độ và khả năng tỳ đè rất tốt. Anh được kì vọng là sự bổ sung hoàn hảo bên cạnh “nội binh” Gonzalo vào mùa tới.

Trong khi đó, ở khu vực Miền Trung, FLC Thanh Hóa cũng thu hút sự chú ý lớn với tân HLV Mihail Marian và một loạt cầu thủ nội được đưa về để gia tăng chiều sâu cho đội bóng. Ngoài ra, không thể không kể đến những đội bóng mới thay tướng như Cần Thơ, SHB Đà Nẵng hay B. Bình Dương và những thế lực cũ như Hà Nội, Hải Phòng hay HAGL với GĐKT Chung Hae Seong trên băng ghế chỉ đạo.

… nhưng liệu có thực sự đáng xem?

Với tất cả sự thay đổi đó, V-League 2018 thực sự là một trong những mùa giải đáng chờ đợi nhất lịch sử. Vậy nhưng chừng đó có đủ để thu hút sự chú ý của khán giả đều đặn mỗi cuối tuần?

Nếu nhìn theo quan điểm của một khán giả đơn thuần, V-League không phải là một lựa chọn hàng đầu bên cạnh rất nhiều hoạt động giải trí khác. Họ sẽ chê “giải không đẹp, có đánh nhau, không hấp dẫn, cứ vài vòng lại có trận đấu dính phốt” hay “thà ngồi nhà chơi còn hơn ra sân rồi ôm cục tức vào người.”

Khán đài V-League bao giờ mới được lấp đầy?

Duy trì lượng khán giả theo dõi và đến sân mỗi tuần quả thực là bài toàn nan giải với BTC. Còn nhớ, ở vòng 6 mùa 2017, tổng số người đến sân cổ vũ các đội bóng xấp xỉ 60.000 người. Ngay sau sự cố Long An trên sân Thống Nhất, số khán giả ngay lập tức giảm xuống còn trên dưới 40.000 ở vòng 7. Con số tương tự của vòng đấu cuối cùng chỉ là 29.000.

Không nói đến vấn đề “vĩ mô” (trọng tài bẻ còi hay bạo lực sân cỏ), ngay cả đến những dịch vụ ngoài lề như nhà vệ sinh hay bãi đỗ xe cho khán giả cũng không được các CLB quan tâm một cách đúng mực. Tất nhiên, muốn làm gì thì cũng phải có tiền, nhưng biết đến khi nào VPF mới kiếm ra tiền chia cho cổ đông, cụ thể là các CLB?

Nếu không thể giải quyết những vấn đề còn tồn đọng của mùa giải 2017, V-League rất khó trở thành một giải đấu đáng xem từ đầu đến cuối với NHM.

Bài liên quan