Nhìn lại vô số sai lầm ngớ ngẩn làm “tan nát bao con tim” của bóng đá Việt Nam trong 4 năm qua

“Cầm vàng lại để vàng rơi”, hay cầm chắc chiến thắng trong tay rồi lại để lỡ một cách đáng tiếc,.. 4 năm qua, bóng đá Việt Nam đã quá quen với những cảm giác cay đắng như vậy.

Thất bại 0-3 trước U22 Thái Lan dù đã nắm trong tay đầy đủ lợi thế trước lượt đấu cuối, U22 Việt Nam phải chia tay SEA Games 29 ngay từ vòng bảng, đồng thời tiếp tục gác lại giấc mộng “Vàng”.

Gần một thập kỷ sau chức vô địch AFF Cup 2008, bóng đá Việt Nam vẫn chưa có thêm bất kỳ danh hiệu nào để bổ sung vào bảng vàng thành tích. Thua vì đối thủ mạnh là một chuyện, nhưng thua vì những sai lầm ngớ ngẩn, vì những pha bóng không tưởng,… lại là câu chuyện rất khác. 4 năm qua, các cấp độ đội tuyển Việt Nam phải “ngậm đắng nuốt cay” nhiều lần bởi những lí do rất khó chấp nhận như vậy.

AFF Cup 2014

AFF Cup 2014 là giải đấu lớn đầu tiên của tuyển Việt Nam dưới thời huấn luyện viên (HLV) Toshiya Miura. Chiến lược gia người Nhật Bản cùng các học trò đã khởi đầu ấn tượng ở vòng bảng (được tổ chức trên sân nhà) với 7 điểm sau 3 trận, ghi 8 bàn và trình diễn lối chơi tấn công hấp dẫn hiệu quả. Lọt vào bán kết, tuyển Việt Nam tiếp tục thể hiện phong độ ấn tượng khi đánh bại Malaysia với tỉ số 2-1 ngay trên sân đối phương và tiến gần đến trận chung kết thêm một nấc.

Tuyển Việt Nam (áo đỏ) thất bại đau đớn dù đã có rất nhiều lợi thế.

Tuy nhiên, 90 phút trên sân Mỹ Đình ít ngày sau đó đã trở thành thảm họa. Những sai lầm liên tiếp của bộ tứ hậu vệ Ngọc Hải – Phước Tứ – Tiến Thành và đặc biệt là Văn Biển cùng thủ môn Nguyên Mạnh khiến toàn đội nhận tới 4 bàn thua ngay trong hiệp 1. Dù Công Vinh đã thắp lại hy vọng với một cú đúp, song từng đó là không đủ để tuyển Việt Nam vượt qua bán kết.

Cái tựa lưng đầy bất lực của HLV Toshiya Miura khi chứng kiến màn trình diễn của các học trò đã nói lên tất cả. “Vị tướng” người Nhật không tin vào mắt mình khi tuyển Việt Nam tự tay vứt bỏ tất cả lợi thế trước đối thủ có lối chơi không có điểm gì quá nổi bật. Đau đớn hơn, đó chỉ là sai lầm mở đầu cho hàng loạt sai lầm ngớ ngẩn khác của các cầu thủ trong 3 năm liên tiếp sau đó.

SEA Games 28 (2015)

U23 Việt Nam bước tới SEA Games 28 với nhiệm vụ giải “cơn khát” huy chương Vàng đã đeo bám nhiều thế hệ cầu thủ nước nhà trong phân nửa thế kỷ. 4 trận đầu tiên ở vòng bảng, U23 Việt Nam toàn thắng, ghi 16 bàn và chỉ để lọt lưới duy nhất 1 lần.

Ngay cả khi thất bại 1-3 trước U23 Thái Lan trong lượt đấu cuối, U23 Việt Nam vẫn vượt qua vòng bảng và tràn trề hy vọng đoạt vàng. Bởi ít nhất, đó là thất bại diễn ra trong trận cầu chỉ còn mang tính thủ tục.

Gặp U23 Myanmar ở bán kết, U23 Việt Nam đã tạo ra hàng tá cơ hội về phía khung thành đối thủ, và trên thực tế, chúng ta đã có 1 bàn thắng do công của Huy Toàn. Dẫu vậy, nhưng sai sót khó hiểu trong nhiệm vụ phòng ngự (Ngọc Thắng để bóng chạm tay vô duyên, hậu vệ không thể truy cản, đồng thời kê chân khiến bóng đổi hướng) cùng nhiều tình huống bỏ lỡ khiến U23 Việt Nam ngậm ngùi chia tay giấc mơ chung kết khi thất bại với tỉ số 1-2.

U23 Việt Nam (áo trắng) đã thất bại trước chính mình tại SEA Games 28

Trong trận tranh huy chương đồng, U23 Việt Nam đã đánh bại U23 Indonesia với tỉ số 5-0. Nhiều người tiếc nuối: tại sao khi gặp U23 Myanmar, chúng ta không dứt điểm tốt như vậy? Có lẽ chỉ khi đá những trận cầu không còn quá nhiều ý nghĩa, U23 Việt Nam mới có thể tạo nên những chiến thắng tưng bừng.

Vòng loại World Cup 2018 (2015)

Tuyển Việt Nam bước vào trận tiếp đón Iraq trên sân nhà với không nhiều hy vọng chiến thắng. Tuy vậy, trước đối thủ được đánh giá mạnh hơn hẳn, tuyển Việt Nam đã chơi cực hay với thế trận phòng ngự phản công hợp lý, có được bàn dẫn trước nhờ công của Công Vinh.

Để rồi, pha để bóng chạm tay của Thanh Hiền trong những phút bù giờ cuối cùng khiến chiến thắng tan vỡ dù thầy trò HLV Miura tưởng như cầm chắc 3 điểm trong tay. Trận hòa Iraq khiến các cầu thủ mất tinh thần, và Công Vinh cùng các đồng đội bại trận 0-3 trước Thái Lan trong trận đấu cũng trên sân nhà sau đó ít ngày.

Thành quả của Công Vinh cùng các đồng đội bị phá hỏng bởi một sai lầm ở hàng phòng ngự

AFF Cup 2016

Tuyển Việt Nam đến với AFF Cup 2016 với mục tiêu trở lại đỉnh cao khu vực. Dưới thời HLV Hữu Thắng, toàn đội thắng cả 3 trận vòng bảng, ghi 5 bàn và chỉ để thủng lưới 2 bàn. Đối thủ ở bán kết của tuyển Việt Nam là Indonesia – đội bóng vừa trở lại sau án cấm thi đấu của FIFA.

Trước đối thủ bị đánh giá là dưới cơ, tuyển Việt Nam bất ngờ thất bại trong trận lượt đi với tỉ số 1-2 – kết quả vừa đủ để toàn đội hy vọng ở trận lượt về khi chúng ta chỉ cần 1 bàn thắng (và không để lọt lưới). Trên sân Mỹ Đình, tuyển Việt Nam ép sân toàn diện trong 45 phút đầu song không thể ghi bàn, trước khi thủ môn Nguyên Mạnh và Đình Đồng có pha bóng không hiểu ý, dẫn đến pha đốt lưới nhà của hậu vệ người Nghệ An.

Tuyển Việt Nam chia tay AFF Cup trong tiếc nuối

Sau đó không lâu, một thoáng thiếu bình tĩnh của thủ môn Nguyên Mạnh đã khiến tuyển Việt Nam phải rơi vào thế chơi thiếu người. Các học trò của HLV Hữu Thắng đã vùng lên mạnh mẽ, ghi liền 2 bàn thắng để đưa trận đấu vào hiệp phụ. Với 10 người trên sân, tuyển Việt Nam không cầm cự được trước sức ép của Indonesia và chịu thêm 1 bàn thua, qua đó gục ngã trước ngưỡng cửa chung kết.

Như vậy, những sai lầm tại SEA Games 29 này (Phí Minh Long xử lý lỗi, Công Phượng sút hỏng phạt đền) không phải bây giờ mới có. Đó là hệ quả tất yếu của vấn đề muôn thủa với cầu thủ Việt Nam: yếu tâm lý. Ngày nào tâm lý và bản lĩnh cầu thủ còn ở mức chênh vênh, ngày đó, bóng đá Việt Nam còn ngước nhìn danh hiệu vô địch với một giấc mơ không thể trở thành hiện thực.

Bài liên quan