Nhìn lại 3 sai lầm của Conte kéo Chelsea vào cơn khủng hoảng

Sự bảo thủ và cứng nhắc của Antonio Conte đang khiến nhà đương kim vô địch rơi vào cảnh lận đận chỉ vài tháng sau khi lên ngôi tại giải Ngoại hạng Anh.

Chỉ sau 1 năm huy hoàng cùng Chelsea khi đưa đội bóng thành London lên ngôi vô địch Premier League thì Conte lúc này lại chật vật tìm kiếm một vị trí trong top 4.

Trận thua 2-1 trước đội bét bảng Crystal Palace hôm qua đã chỉ ra nhiều vấn đề còn tồn đọng trong đội hình nhà vô địch, đặc biệt khi họ phải bung sức trên nhiều đấu trường thay vì chăm chăm mỗi Premier League như mùa giải năm ngoái.

Quá thiếu niềm tin vào Michy Batshuayi

Chuyển tới Chelsea với giá 32 triệu bảng vào hè năm 2016, Michy Batshuayi từng được đánh giá là một trong những tài năng triển vọng nhất của bóng đá Bỉ. Dẫu Quỷ đỏ phải dừng bước tại tứ kết Euro, tuy nhiên, màn trình diễn của cựu ngôi sao Marseille cũng phần nào khiến các cổ động viên The Blues cảm thấy hài lòng.

Nói Batshuayi gần hai năm rồi vẫn không thích nghi được với hệ thống chiến thuật của Conte thì có vẻ hơi oan uổng cho cầu thủ người Bỉ. Bởi thực tế anh chưa bao giờ được ông thầy người Italy trao trọn niềm tin. Thậm chí, Batshuayi mùa này có lẽ đã trở thành sự lựa chọn thứ ba trên hàng công nếu The Blues chiêu mộ được lão tướng Llorente.

Có một con số khá khó tin nhưng thật sự sau hai mùa chơi bóng cho The Blues, Batshuayi vẫn chưa một lần được đá trọn vẹn 90 phút tại giải Ngoại hạng Anh.

Nếu được ra sân nhiều hơn, Batshuayi đã không “cùn” như bây giờ.

Tệ hại hơn, đến giờ Conte còn coi anh như một người thừa ở sân Stamford Bridge. Bằng chứng là khi Morata gặp chấn thương trong trận đấu với Man City, ông đã quyết định để Willian vào sân thay vì chọn Batshuayi, dù thời gian còn rất nhiều. Hay như trong trận thua Palace mới đây, Conte cũng quyết định rút Batshuayi để chơi không tiền đạo ngay từ phút 57.

Đừng nói Batshuayi bất tài bởi nếu vậy Chelsea đã chẳng dại chi tới 32 triệu bảng để đưa anh về Stamford Bridge. Cần nhớ mùa cuối cùng chơi cho Marseille, chân sút này đã nổ súng tới 17 bàn sau 36 trận ra sân tại Ligue 1. Đó là con số không tồi chút nào với một tiền đạo vừa bước sang tuổi 23.

Vấn đề ở chỗ chưa bao giờ Conte muốn đặt niềm tin vào Batshuayi. Từ kiếp dự bị cho Costa rồi đến Morata và giờ trở thành người “có cũng như không”, những áp lực tinh thần từ chính ông thầy người Italy đang dần giết chết bản năng sát thủ của Batshuayi trên ghế dự bị.

Không tạo cơ hội cho cầu thủ trẻ

Năm 2016, sự xuất hiện của Conte tưởng như đã mở ra cánh cửa cho các cầu thủ trẻ, mở đầu là Nathaniel Chalobah. Tuyển thủ người Anh được ông sử dụng khá nhiều trong giai đoạn đầu mùa cùng một vài cầu thủ trẻ khác.

Nhưng khi mùa giải bước vào giai đoạn nước rút, cựu huấn luyện viên Juventus đã quyết định quay lưng với các học trò trẻ và duy trì một đội hình gần như “bất di bất dịch” tới cuối mùa. Và kết quả họ đã vô địch, nhưng hệ lụy kéo theo chức vô địch đó đang khiến Chelsea khốn đốn mùa này.

Cả ba cầu thủ trẻ tiềm năng nhất Chelsea mùa trước là Loftus-Cheek, Nathaniel Chalobah và Nathan Ake đều đã chia tay The Blues. Trong khi Chalobah và Ake đã chuyển hẳn sang Watford và Bournemouth thì Cheek vẫn đang miệt mài tìm kiếm cơ hội tại Crystal Palace dưới dạng cho mượn.

Và giờ một số tin đồn rằng Charly Musonda cũng sẽ bị gửi đi “du học” sau những phát ngôn chỉ trích đội chủ quản trên mạng xã hội. Hiển nhiên, việc Chelsea đem cho mượn cầu thủ trẻ vốn đã trở thành cách làm “truyền thống” của họ và chẳng ai có thể trách Conte nếu ông làm vậy.

Những cầu thủ trẻ như Musonda hoàn toàn có thể tạo nên đột biến mỗi khi The Blues lâm vào bế tắc.

Nhưng nhìn vào những gì các ngôi sao như Willian, Batshuayi hay thậm chí là Hazard thể hiện trước đội bét bảng Crystal Palace, liệu Conte có nghĩ rằng ông đã sai khi không cho các cầu thủ trẻ nhiều cơ hội hơn?

Trước trận đấu, huấn luyện viên người Italy từng nói sẽ cân nhắc để những Scott hay Apamdu cơ hội ra sân từ đầu do mất quá nhiều trụ cột – nhưng ai cũng hiểu đó chỉ là lời nói suông bởi trước giờ Conte đã dùng họ bao giờ đâu mà dám cho đá chính?

Chỉ khi quá bất lực trước sự vô duyên của các ngôi sao đội một, Conte mới quyết định để Musonda vào sân. Kỹ thuật, sự xông xáo của tiền đạo người Bỉ đã khiến Chelsea chơi khởi sắc hẳn, thậm chí suýt chút nữa anh còn có bàn thắng gỡ hòa nếu cẩn thận hơn trong pha dứt điểm cuối cùng.

Mọi sự lẽ ra đã khác nếu Conte trao nhiều cơ hội hơn cho các cầu thủ trẻ. Nhưng có lẽ, áp lực sa thải tại Chelsea đã khiến ông không dám liều mình tạo nên một Paul Pogba thứ hai như hồi còn ở Juventus.

Chiến thuật thiếu linh hoạt

Lận đận trong quãng thời gian đầu dẫn dắt Chelsea khiến Conte buộc lòng phải nghĩ ra một thứ chiến thuật mới để thay đổi cục diện. Và như thế sơ đồ 3-4-3 đã ra đời, nó nhanh chóng đưa The Blues trở thành “độc cô cầu bại” tại Ngoại hạng Anh với 13 chiến thắng liên tiếp – cho tới khi các đội bóng khác copy lại chính nó để đá với Chelsea.

Năm ngoái, người mở màn cho trào lưu dùng 3-4-3 là Mauricio Pochettino và giờ thì sơ đồ này đã nở rộ khắp Ngoại hạng Anh. Theo thống kê thì tới cuối mùa giải trước, đã có 17/20 đội tại Premier League ra sân với sơ đồ 3 hậu vệ.

Việc copy chiến thuật không còn là điều mới mẻ trong kỷ nguyên máy móc và công nghệ sẽ giúp các huấn luyện viên tìm ra điểm mạnh, điểm yếu trong sơ đồ của đối thủ để rồi khắc chế lấy nó. Conte hiểu rõ điều này nhưng bản thân ông không dám mạnh tay thay đổi để rồi rơi vào bế tắc mỗi khi bị bắt bài.

Conte dẫn đầu xu hướng sử dụng sơ đồ 3 hậu vệ nhưng lại dậm chân tại chỗ trong khi các đối thủ liên tục đổi mới.

Nhìn chung bộ khung của Chelsea không có nhiều xáo trộn cho dù họ đã đưa về thêm một vài chữ ký chất lượng ở kỳ chuyển nhượng hè. Morata thay Costa, Bakayoko thay Matic còn Rudiger thay Terry – tất cả đều là sự thay thế 1:1 chứ không có bất kỳ sự nâng cấp nào ở đây.

Là vì Conte quá tự tin rằng chỉ mình ông hiểu rõ sơ đồ 3 hậu vệ vận hành ra sao hay tại ban lãnh đạo Chelsea không đáp ứng những yêu cầu của huấn luyện viên người Italy sau một mùa giải thăng hoa? Điều đó chỉ có nội bộ nhà vô địch hiểu rõ.

Nhưng chắc chắn một điều Chelsea vẫn đang dậm chân tại chỗ trong khi các đối thủ cạnh tranh của họ liên tục đổi mới – và không chịu thay đổi trong một cuộc đua đường dài chẳng khác gì tự thua khi mùa giải còn chưa bắt đầu.

Bài liên quan