Thẻ đỏ của Đình Trọng và hồi chuông báo động cho Bóng đá Việt Nam

Các “động tác thừa” mang tính tiểu xảo là điều thường xảy ra trong bóng đá, nhưng bóng đá Việt cần hạn chế tối đa những tình huống như vậy nếu muốn tiếp tục phát triển.

Đình Trọng đã phải nhận thẻ đỏ gián tiếp trong trận đấu giữa U20 Việt Nam và U20 Pháp, sau tình huống dùng cùi chỏ với đối phương. Công bằng mà nói, dù có hay không có chiếc thẻ đỏ đó, chúng ta sẽ vẫn thua đậm, thế nên Đình Trọng không phải là tội đồ gây nên thất bại, có chăng, anh chỉ gây chút khó khăn cho HLV Hoàng Anh Tuấn khi sắp xếp nhân sự cho trận đại chiến quyết định với U20 Honduras. Chính vì vậy, có thể xem sai lầm của cầu thủ Sài Gòn FC chỉ là một lỗi “nhỏ”, trong một trận đấu căng thẳng, với đối thủ vượt trội hoàn toàn, thì sai lầm âu cũng là điều dễ tha thứ.

Đình Trọng bị đuổi khỏi sân trong cuộc đối đầu với U20 Pháp

Tuy nhiên, điều đáng nói đây không phải là lần đầu tiên bóng đá Việt bị mất người bởi những chiếc thẻ không đáng có, và nếu cứ tiếp tục như vậy, chúng ta khó lòng mà đạt được thành tích gì lớn lao. Người hâm mộ bóng đá chắc hẳn chưa quên, mới ở AFF Cup 2016, thủ thành dày dạn kinh nghiệm như Nguyên Mạnh cũng dính thẻ đỏ lãng xẹt và góp phần đóng cánh cửa đến chung kết của ĐTQG. Hay như mới đây, tại một trận đấu của AFC Cup, CLB Than Quảng Ninh đã chịu thiệt khi cựu tuyển thủ Mạc Hồng Quân phải nhận hai thẻ vàng, trong đó có một thẻ vàng trong tình huống anh cố “câu thẻ” cho đối phương nhưng không thành công.

Tất nhiên không nên quy những trường hợp như vậy về vấn đề tư cách hay đạo dức cầu thủ. Tiểu xảo đã là một phần của bóng đá và kể cả các danh thủ lừng lẫy thế giới cũng chưa chắc “sạch 100%”. Chỉ có điều môi trường ở những giải bóng đá quốc nội, như V-League, có vẻ quá dễ dãi cho những thứ tiểu xảo ấy phát triển tràn lan. Cầu thủ quen với kiểu chơi như thế và họ vô tư sử dụng ở đấu trường quốc tế đến mức “lộ liễu”. Mà ở đó, với những trọng tài không quen biết, với những đối thủ vốn hơn hẳn chúng ta về mọi thứ, kể cả ở khía cạnh tiểu xảo, thì đánh nguội, phạm lỗi quá lộ đồng nghĩa với những chiếc thẻ đỏ.

Một thủ môn như Nguyên Mạnh cũng có tình huống đánh nguội với đối thủ

Có thể thấy điều này trong trận đấu với U20 Pháp, hầu hết các tình huống phạm lỗi của U20 Việt Nam đều khá lộ, trong khi bên kia chiến tuyến, dù cùng tuổi, nhưng phần lớn các cầu thủ U20 Pháp đang được thi đấu tại các giải chuyên nghiệp châu Âu khá dày dạn kinh nghiệm, họ biết lúc nào nên ngã và khi ngã rồi thì cần lăn lộn, bộc lộ đau đớn như thế nào. Dĩ nhiên, với nhiều người hâm mộ, trọng tài đã “bắt ép” chúng ta, nhưng quả thật, nhìn những chiếc thẻ dành cho U20 Việt Nam thì khó có thể cho rằng đó là sai lầm của trọng tài.

Với sự phát triển của nền bóng đá, rồi đây Việt Nam sẽ còn tiếp tục vươn ra thế giới. Để hạn chế những chiếc thẻ oan uổng, chỉ có một cách là V-League phải mạnh mẽ loại bỏ những tiểu xảo xấu xí. Các trọng tài phải phạt nặng tay hơn để cảnh báo các cầu thủ có hành vi không đúng. Nếu làm được như vậy, thì dù chưa loại bỏ được hoàn toàn được những mặt xấu, ở một khía cạnh có phần tiêu cực hơn, ít nhất sự nghiêm khắc của trọng tài cũng sẽ góp phần khiến các tiểu xảo của giới cầu thủ kín đáo hơn một chút, không còn quá lộ liễu như trước, giúp họ có thể bảo vệ được mình khi thi đấu ở nước ngoài.

Ở V-League thì nạn bạo lực sân cỏ xảy ra như cơm bữa

Tất nhiên, nói thì dễ hơn làm. Ở V-League hay hạng Nhất, giới trọng tài vốn đang có không ít lời ra tiếng vào, một quyết định nghiêm khắc của họ có thể gây phản ứng ngược. Các CLB, cổ động viên và cả dư luận sẵn sàng chỉ trích thậm tệ nếu một ông trọng tài nào đó không vừa ý họ. Vậy nên, có đưa V-League vào khuôn khổ, các cầu thủ có bỏ được những thói quen không nên có hay không, thì còn phải chờ vào sự dũng cảm của các trọng tài, cũng như bản lĩnh của những người có trách nhiệm với nền bóng đá.

Bài liên quan